Đi xe ôm, mua đồ ăn, đặt vé máy bay cũng được “khất”, thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam hấp dẫn đến mức nào?

Với việc Be Group gia nhập thị trường mua trước trả sau, khoảng 10 triệu khách hàng giờ đây có thể đặt xe, đặt đồ ăn, mua vé di chuyển… mà không cần trả tiền ngay lập tức, miễn lãi lên tới 45 ngày.

Be Group – công ty sở hữu và phát triển nền tảng đa dịch vụ Be vừa ra mắt tính năng bePayLater, cho phép 10 triệu khách hàng của Be được dùng trước trả sau hơn 15 dịch vụ trên ứng dụng.

Người dùng chỉ mất khoảng 5 phút để đăng ký trực tuyến dịch vụ thanh toán mới này, không cần giấy tờ chứng minh thu nhập, ưu đãi không lãi suất và không phí quản lý đến hết tháng 7/2024.

Sau khi kích hoạt ví trả sau, người dùng sẽ được cấp hạn mức trả sau cố định, được miễn lãi lên tới 45 ngày khi đặt ô tô, xe máy, giao hàng, đặt đồ ăn hoặc mua vé xe khách, máy bay, tàu hỏa… trên ứng dụng Be.

Đi xe ôm, mua đồ ăn, đặt vé máy bay cũng được "khất", thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam hấp dẫn đến mức nào?- Ảnh 1.

Theo một khảo sát năm 2024 của công ty nghiên cứu thị trường Q&ME, chi phí người dùng trả cho việc đặt xe qua ứng dụng chiếm gần 50% tổng chi phí di chuyển hàng tháng.

Do đó, theo Be Group, việc cho ra đời bePayLater sẽ giúp 10 triệu khách hàng Be, đặc biệt là giới trẻ, thêm chủ động về mặt tài chính với hạn mức được cấp tự động. Đồng thời, giải pháp này còn giúp người dùng quản lý tài chính và chi tiêu hợp lý, tách biệt dòng tiền theo từng phương thức thanh toán trả sau.

Hồi tháng 4, công ty tài chính số Home Credit và công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab cho ra mắt một báo cáo chỉ ra rằng hầu hết người Việt không có thu nhập tăng trong năm 2023. Khoảng 1/3 (36%) thậm chí kiếm được ít hơn so với năm 2022.

1/3 khác (34%) gần như không thấy sự thay đổi nào trong thu nhập. Khoảng 1/5 (21%) số người được khảo sát đang vật lộn để trang trải chi tiêu hàng tháng. Gần một nửa (49%) chỉ kiếm đủ tiền để trang trải những nhu cầu thiết yếu mỗi tháng.

Theo báo cáo, nhu cầu với các sản phẩm tín dụng tiêu dùng và tài chính cá nhân ngày một tăng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tiếp cận vốn từ các ngân hàng. Báo cáo cho biết những người thu nhập thấp thường không đủ điều kiện thế chấp. Khoảng 1/3 trong số này không có hoặc không cảm thấy thoải mái khi cung cấp hợp đồng lao động (31%) hoặc bảng lương (33%) khi vay.

Việc thiếu khả năng tiếp cận các khoản vay này đang làm tăng sức hấp dẫn của thẻ tín dụng và các gói mua trước trả sau. Gần một nửa (44%) số người được khảo sát đã dùng thẻ tín dụng trong 12 tháng qua. Trong khi đó, mô hình mua trước trả sau đã chiếm được 16% thị phần tín dụng tiêu dùng, mặc dù vừa mới xuất hiện ở Việt Nam.

Đi xe ôm, mua đồ ăn, đặt vé máy bay cũng được "khất", thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam hấp dẫn đến mức nào?- Ảnh 2.

Trả lời truyền thông hồi tháng 3/2023, ông Nguyễn Ảnh Cường – CEO Fundiin, startup cung cấp giải pháp mua trước trả sau hàng đầu Việt Nam – chỉ ra rằng trong top 20 trang thương mại điện tử nhiều lượt truy cập nhất Việt Nam, khoảng 50% đã tích hợp mua trước trả sau. Có thể kể đến Thế giới Di động, Điện Máy Xanh, Sendo, Tiki, Shopee, FPTShop…

Bên cạnh các công ty chuyên về mua trước trả sau như Fundiin, thị trường này còn bao gồm những công ty tài chính truyền thống như Home Credit, Lotte Finance…, hay ví điện tử như MoMo, ZaloPay – triển khai thông qua mô hình một nền tảng hợp tác với ngân hàng.

Tỷ lệ dân số dùng thẻ tín dụng ở các quốc gia phát triển khoảng 70%. Tại Việt Nam chỉ có khoảng 5%.

Ngân hàng đang phục vụ nhóm khách chiếm 10% thị trường. Các công ty tài chính trước đây nhắm vào 20 – 30% dân số là tầng lớp lao động phổ thông.

Phân khúc ở giữa đang bị bỏ trống. Họ là tập khách hàng trung lưu nhưng không thích trải nghiệm thẻ tín dụng. Họ cũng là phân khúc trẻ mà ngân hàng chưa chạm tới. Đây là tập các công ty fintech đang nhắm vào, khoảng 50% thị trường, tương ứng 40 triệu dân số. Con số này rất lớn, không thể bỏ qua với cả ngân hàng và các công ty tài chính“, ông Nguyễn Ảnh Cường phân tích.

Nguồn: Cafebiz.vn