Bị hack tiền trong tài khoản ngân hàng, người dùng sẽ được bồi thường?

Nếu tài khoản ngân hàng bị hack tiền, khách hàng có thể được công ty bảo hiểm đền bù tối đa lên tới 46 triệu đồng/vụ trong trường hợp khách hàng mua bảo hiểm tài khoản giao dịch trực tuyến

Đó là thông tin về quyền lợi mà một công ty bảo hiểm tại Việt Nam đưa ra dành cho khách hàng mua gói bảo hiểm tài khoản giao dịch trực tuyến. Chi phí của gói bảo hiểm này hơn 70.000 đồng/năm. Khách hàng có thể được chi trả quyền lợi gấp 6.000 lần chi phí, tối đa 46 triệu đồng/tài khoản/năm khi xảy ra các sự cố mất tiền do vô tình đăng nhập vào các trang web giả mạo; bị lộ thông tin hoặc bị tấn công bởi các phần mềm độc hại.

Một công ty bảo hiểm khác cũng chào ra thị trường gói bảo hiểm thẻ ghi nợ với mức phí 3.000-5.000 đồng/thẻ/tháng. Khách hàng có thể nhận được quyền lợi bảo hiểm (tối đa 100 triệu đồng/người/năm khi xảy ra trường hợp gian lận thẻ, hay tối đa 10 triệu đồng/vụ việc nếu bị cướp tiền tại cây ATM.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, nhiều công ty bảo hiểm tung ra các sản phẩm đa dạng “đánh” vào thực trạng lừa đảo trong giao dịch trực tuyến ngày càng nở rộ như bảo hiểm tài khoản giao dịch, bảo hiểm thẻ ghi nợ, bảo hiểm thẻ thanh toán hay gói bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng,… Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều vụ gian lận trong giao dịch trực tuyến khiến người dùng thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hình thức thanh toán không tiền mặt, nhiều chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền xuất hiện tinh vi và gây ra thiệt hại lớn cho người dân, doanh nghiệp. 

Thống kê từ Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, riêng năm 2023 ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng và gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến từ các cơ quan tổ chức doanh nghiệp, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng. Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Theo thống kê, 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính; 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo

Theo dữ liệu chia sẻ từ tổ chức thẻ quốc tế Visa mới đây, riêng đối với hoạt động sử dụng thẻ (issuing), trong quý I/2024, tổng giá trị gian lận tại Việt Nam giảm 16% so với quý trước đó, nhưng tăng tới 139% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, hơn 99% các hành vi gian lận thực hiện thanh toán qua kênh CNP (card-not-present – giao dịch thanh toán mà trong giao dịch không có sự xuất hiện của chủ thẻ và thẻ, ví dụ thanh toán qua internet, điện thoại, email…). Các đối tượng lừa đảo tiếp cận và thực hiện hành vi gian lận chủ yếu qua loại hình dịch vụ quảng cáo (91,9%), nhà cung cấp sản phẩm số (1,7%), công ty du lịch (0,5%)…

Riêng với giao dịch xuyên biên giới, trong quý I/2024, tổng giá trị gian lận là 8,11 triệu USD, giảm 17% so với quý IV/2023. Tỷ lệ gian lận cũng giảm từ 66,1% trong quý cuối năm 2023 xuống 57,5% vào quý đầu năm nay…

Liên quan đến tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nhanh chóng đưa ra hàng loạt giải pháp ngăn chặn. 

Đáng chú ý, kể từ ngày 01/7/2024, thực hiện theo Quyết định số 2345của Thống đốc NHNN, tất cả giao dịch ngân hàng trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học. Đây là một quy định cần thiết và cấp bách để đảm bảo chủ tài khoản và thực hiện giao dịch không bị giả mạo giấy tờ tùy thân, góp phần ngăn chặn lừa đảo trực tuyến. 

Đại diện NHNN cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền văn bản pháp luật, đồng thời lưu ý các TCTD chú trọng truyền thông, quảng cáo, hướng dẫn tới cán bộ và khách hàng nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng để phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng. Đặc biệt, NHNN tiến hành làm sạch dữ liệu khách hàng, tài khoản không chính chủ kết hợp với xác thực theo Quyết định 2345, 24 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu cho Bộ Công an để làm sạch thông tin. 

Nguồn: Cafebiz.vn