Thị trường căn hộ tại TP Hồ Chí Minh so với các tỉnh lân cận đang dẫn đầu về nguồn cung sơ cấp trong quý 2, tuy nhiên phần lớn đến từ các dự án căn hộ hạng A, hạng sang.
Sau loạt báo cáo thị trường bất động sản quý 2 và nửa đầu năm nay cho thấy một điểm đáng chú ý của thị trường bất động sản căn hộ tại TP Hồ Chí Minh, đó là tình trạng lệch pha cung – cầu rơi vào tình trạng báo động khi chỉ có 2 dự án mở bán mới phân khúc cao cấp và hạng sang. Điều này đặt ra câu hỏi liệu sắp tới khi 3 luật liên quan Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đi vào hiệu lực, thì tình trạng lệch pha cung – cầu có được giải quyết? Người dân dễ dàng tiếp cận với căn hộ vừa túi tiền hơn?
Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, thị trường căn hộ tại TP Hồ Chí Minh so với các tỉnh lân cận vẫn đang dẫn đầu về nguồn cung sơ cấp trong quý 2 vừa qua, tuy nhiên, phần lớn đến từ các dự án căn hộ hạng A, hạng sang thuộc khu Đông, TP Thủ Đức.
Ông Võ Hồng Thắng – Giám đốc mảng Dịch vụ Tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group cho hay: “Hiện tại nguồn cung chỉ bằng khoản 35%, tiêu thụ chỉ bằng khoảng 30% so với giai đoạn 2016 – 2020. Và độ lệch pha về bất cân xứng giữa nguồn cung và lượng tiêu thụ của phân khúc căn hộ hạng C, hạng B, hạng A và hạng sang thì nó trở lên bất cân xứng, có sự chệch hướng, gần như nghiêng hẳn về căn hộ hạng A và hạng sang. Đây là một trong những điều báo động đối với thị trường căn hộ TP Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua”.
Theo nhận định của CBRE Việt Nam, việc 3 bộ luật có hiệu lực sớm hơn giúp khơi thông được các vướng mắc pháp lý, giúp nguồn cung mới được tung ra thị trường, kỳ vọng sẽ một phần giải quyết được vấn đề mất cân bằng cung – cầu. Bởi, theo quan sát của CBRE có rất nhiều dự án ở phân khúc trung cấp tại các khu vực ven trung tâm như quận 12, quận Bình Chánh, huyện Nhà Bè.
“Một khi vấn đề khơi thông pháp lý được giải quyết thì tất cả dự án này bao gồm cả hạng sang và cao cấp và cả trung cấp đều sẽ được giải quyết, và nó sẽ đem lại một bức tranh có thể nói cân bằng hơn cho thị trường. Chúng tôi nghĩ rằng một phần nào đó những vấn đề về khả năng chi trả cho người dân sẽ được giải quyết, nhưng chúng tôi tin rằng nó phải cần một cái sự nỗ lực và sự kết hợp về hành động nhiều hơn nữa từ các Bộ ban ngành khác nhau”, bà Dương Thuỳ Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam thông tin.
Nửa cuối năm nay, nguồn cung căn hộ mới vẫn chủ yếu đến từ các dự án cao cấp và hạng sang. Do luật đi vào thực tiễn sẽ có độ trễ nhất định nên các chuyên gia dự báo nguồn cung sẽ chỉ được cải thiện dần dần từ năm 2025 trở đi.
Ông David Jackson – Tổng Giám đốc, Avison Young Việt Nam cho biết: “Các Luật mới về bất động sản chính thức có hiệu lực từ 01/08 tới đây được kỳ vọng tạo cú huých cho thị trường, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý tồn đọng thời gian qua, thúc đẩy các dự án đình trệ được hồi sinh và tăng tốc. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở giá phải chăng và nhà ở xã hội tôi nghĩ sẽ cần có thời gian để phát triển và sẽ khó tăng nhanh trong vài quý tới do liên quan đến quỹ đất cũng như chi phí đầu tư xây dựng ngày càng cao”.
Trong diễn biến chung, thống kê mới nhất từ CBRE cho thấy giá bán căn hộ ở TP Hồ Chí Minh đã đạt mức ngang bằng so với các thị trường khác trong khu vực như Jakarta, Kuala Lumpur… nhưng so về mức thu nhập bình quân đầu người thì TP Hồ Chí Minh thấp hơn từ 2,8 đến gần 4 lần.
Nguồn: Cafebiz.vn