Khởi nghiệp từ phố núi Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai – Đức Long Gia Lai – Quốc Cường Gia Lai “nức tiếng” không chỉ ở Tây Nguyên mà còn mở rộng sức ảnh hưởng ra cả nước. Tuy nhiên, kịch bản chung sau hào quang, bộ ba đại gia phố núi đều đang vật lộn với những khó khăn khác nhau.
Hoàng Anh Gia Lai – doanh nghiệp gắn với tên tuổi doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) bắt đầu khởi nghiệp từ một xưởng đóng bàn học nhỏ cho học sinh những năm đầu thập niên 90. Ba năm sau, ông Đức thành lập Xí nghiệp tư nhân HAGL, mở rộng lĩnh vực hoạt động sang trồng và chế biến gỗ, mủ cao su, sản xuất đá granit, bất động sản, bóng đá…
Khi đó, bất động sản là mảng kinh doanh chủ lực của HAGL, bên cạnh làm thủy điện, bóng đá, nông nghiệp. Công ty này sở hữu nhiều dự án bất động sản tại nhiều tỉnh thành phố như TP HCM, Bình Định, Đà Nẵng… thậm chí tại nước ngoài.
Thời đỉnh cao, cổ phiếu HAGL niêm yết trên HoSE từng giúp ông Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Bầu Đức cũng là doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam mua máy bay riêng để phục vụ công việc.
Khởi sự sau ông Đoàn Nguyên Đức vài năm, bà Nguyễn Thị Như Loan cũng là doanh nhân “số má” gây dựng cơ nghiệp từ mảnh đất Gia Lai. Xuất phát điểm, bà Loan hùn vốn cùng một người bạn mở xưởng sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu. Đến năm 1994, nữ doanh nhân 6X sáng lập Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường Gia Lai – tiền thân của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG).
Thời gian đầu, doanh nghiệp này chuyên cung cấp các sản phẩm gỗ tròn, gỗ sẻ, gỗ chế biến… sau đó, mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác như trồng cà phê, điều, phân bón với hơn 500 lao động.
Đến năm 2005, bà Loan bắt đầu bén duyên với kinh doanh bất động sản. Hai năm sau, doanh nghiệp của nữ doanh nhân này cổ phần hóa, tên gọi Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Quốc Cường Gia Lai được biết đến như một doanh nghiệp hoạt động với đa ngành nghề: các sản phẩm ván sàn, nội thất, xuất khẩu cà phê, đầu tư dự án, đầu tư xây dựng căn hộ cao cấp, đất nền nhà phố, biệt thự, khu dân cư phức hợp, văn phòng cho thuê, trồng cao su, xây dựng thủy điện… Trong đó, bất động sản là nguồn thu chính của doanh nghiệp này.
Trong giai đoạn đầu khi mới lên sàn, kết quả kinh doanh tích cực giúp thị giá cổ phiếu tăng nhanh, đưa bà Loan nhiều lần nằm trong nhóm những người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán.
Cái tên còn lại ở phố núi là Đức Anh Gia Lai. Tháng 9/1995, doanh nghiệp này được thành lập dựa trên ngành nghề chính là chế biến gỗ tiêu dùng và xuất khẩu. Vốn liếng ban đầu khởi nghiệp của Đức Long Gia Lai là 3,6 tỷ đồng, 9.700m2 đất, cùng một dây chuyền chế biến bán tự động.
Sau 12 năm hoạt động, đến 6/2007, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai được thành lập với số vốn điều lệ là 270 tỷ đồng. Sau đó, doanh nghiệp này lần lượt thành lập 20 công ty thành viên, mở và liên kết thành lập 13 chi nhánh, cửa hàng trong và ngoài nước hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư đa ngành nghề.
Đến năm 2010, Đức Long Gia Lai nối gót hai doanh nghiệp phố núi niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), mã chứng khoán DLG. Thời điểm mới niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, riêng mảng kinh doanh gỗ, Đức Long sở hữu 150.000 m2 mặt bằng nhà xưởng, sân bãi; 4 nhà máy sản xuất cùng 7 dây chuyền chế biến gỗ hiện đại. Khi đó, công ty đã thành lập được hệ thống phân phối gỗ và đá gồm 15 đại lý trong nước, đồng thời phát triển 3 văn phòng đại diện tại Singapore, Nhật Bản và Mỹ.
Thời kỳ hoàng kim những năm 2015-2016, doanh nghiệp này có doanh thu khoảng gần 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Có xuất phát điểm từ kinh doanh gỗ, kế đến là bất động sản, bộ ba doanh nghiệp phố núi Gia Lai đều từng chạm tay vào vinh quang trước khi đối diện với bức tranh kinh doanh xám màu.
Với ông Đoàn Nguyên Đức và Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp này không tránh khỏi những khó khăn từ cuộc suy thoái kinh tế hồi 2008. Từ năm 2012 trở đi, Bầu Đức từng bước thoái vốn khỏi bất động sản (khi đó thị trường đang suy thoái), bán dần các quỹ đất là thế mạnh của công ty để dốc toàn lực phát triển nông nghiệp tại Lào và Campuchia. Song nông nghiệp sau đó thua lỗ nhiều năm vì nhiều lí do về thị trường, đồng thời lại luôn chịu áp lực xử lý nợ.
Giai đoạn 2015-2016, nợ vay HAG vượt mức 27.000 tỷ đồng. Trong nhiều năm sau đó, công ty luôn gặp vấn đề về dòng tiền kinh doanh và nợ vay/tổng tài sản chiếm tỷ trọng lớn 40-50%.
Một trong những biện pháp cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp là bầu Đức chọn bán công ty con – Công ty Nông nghiệp HAGL (HAGL Agrico) cho tỷ phú Trần Bá Dương (Thaco).
“Chính anh Dương là người đã cứu HAG, nhờ anh ấy ôm khối nợ mà Hoàng Anh Gia Lai mới có thể thoát khỏi khó khăn. HAG giờ chỉ còn 4-5 công ty con nên rất gọn gàng và có thể đi rất nhanh”, bầu Đức chia sẻ trong Đại hội cổ đông 2021. Hiện doanh nghiệp đang tập trung cho mô hình kinh doanh chủ lực “hai cây – một con” (trồng chuối, sầu riêng và nuôi heo). Với tình hình như hiện nay, đến cuối năm 2024, mô hình này sẽ mang lại lợi nhuận không dưới 2.000 tỷ đồng/năm cho HAGL.
Bầu Đức cũng từng chia sẻ đến năm 2026 sẽ “sạch” nợ và đang tái cấu trúc để trả nợ. Tại thời điểm 31/3/2024, Hoàng Anh Gia Lai đang có tổng dư nợ vay là 7.816,4 tỷ đồng, bằng 111% vốn chủ sở hữu.
Về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai lên kế hoạch doanh thu 7.750 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.320 tỷ đồng, giảm 25,9% so với thực hiện trong năm 2023.
Thực tế, trong quý đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu hơn 1.240 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lãi 214,8 tỷ đồng, giảm lần lượt 26,9% và 26,2% so với cùng kỳ.
Tại Quốc Cường Gia Lai, bức tranh ảm đạm vẫn bao trùm lên tình hình kinh doanh chung của doanh nghiệp này. Năm ngoái, doanh nghiệp này ghi nhận cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều giảm.
Lũy kế cả năm 2023, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 432 tỷ đồng, giảm còn 1/3 so với năm trước. Đây là mức doanh thu thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Lợi nhuận gộp cũng lao dốc mạnh khi chỉ đạt 83 tỷ đồng, giảm 40% so với mức 137 tỷ của năm trước. Sau trừ đi tất cả chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10 tỷ đồng – mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Tới quý I/2024, tình hình doanh thu Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa đạt kỳ vọng. Doanh thu thuần chỉ đạt 39 tỷ đồng doanh thu, giảm 77% so với cùng kỳ và lãi ròng chỉ đạt gần 1,4 tỷ đồng.
Theo giải trình, thị trường bất động sản khó khăn, thủ tục pháp lý dự án còn chồng chéo, vẫn đang trong quá trình sửa đổi hoàn thiện khiến doanh nghiệp này gặp khó, doanh thu lợi nhuận đều giảm.
Bên cạnh đó, CEO Nguyễn Thị Như Loan – Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai mới đây cũng vướng lao lý. Ngày 19/7/2023, bà Loan bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Còn Đức Long Gia Lai, hơn 1 năm qua, tập đoàn này hai lần bị yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong lần thứ hai Lilama 45.3 đòi mở thủ tục phá sản với Đức Long Gia Lai, liên quan đến khoản nợ có phần gốc gần 14,8 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán gần 2,4 tỷ đồng. Hồi tháng 7/2023, doanh nghiệp này cũng nộp yêu cầu trên.
Sau giai đoạn hoàng kim, từ 2021, nguồn thu lao dốc liên tục, đỉnh điểm năm 2022 và 2023, ông lớn phố núi này lỗ lần lượt 1.197 tỷ đồng và 578 tỷ đồng.
Gần đây, doanh nghiệp này cũng bán sạch vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited (Mass Noble) – công ty đang tạo ra doanh thu chính cho doanh nghiệp này.
Kết thúc quý I/2024, theo báo cáo tài chính, Đức Long Gia Lai đạt doanh thu thuần hơn 266 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt hơn 35 tỷ đồng. Tuy vậy, lỗ lũy kế tính đến hết tháng 3/2024 là 2.636 tỷ đồng, nợ phải trả là 4.455 tỷ đồng, gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu.
Nguồn: Cafebiz.vn