Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên, căn cứ thông tin cổ đông cung cấp cho ngân hàng đến ngày 19/07/2024.
Theo danh sách được VPBank công bố, ngân hàng này hiện có 13 cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên gồm: Chủ tịch Ngô Chí Dũng (4,1411%), bà Hoàng Anh Minh (4,1184%), bà Vũ Thị Quyên (4,1075%), ông Trần Ngọc Trung (3,8454%), bà Kim Ngọc Cẩm Ly (3,6124%), Bà Lý Thị Thu Hà (3,5560%), bà Trần Ngọc Lan (3,9051%), ông Lê Việt Anh (3,5325%), bà Lê Minh Anh (2,7061%), bà Nguyễn Thu Thủy (2,5630%), Bùi Hải Quân (Phó Chủ tịch VPBank nắm giữ 1,9704%), ông Nguyễn Đức Vinh (Tổng Giám đốc VPBank nắm giữ 1,3222%), ông Nguyễn Mạnh Cường (1,4464%).
Tính chung, 13 cá nhân trên nắm giữ tổng cộng hơn 3,239 tỷ cổ phiếu VPBank, tương đương 40,8% vốn điều lệ ngân hàng này.
Bên cạnh các cổ đông cá nhân, VPBank cũng công bố 4 cổ đông tổ chức gồm có Sumitomo Mitsui BankingCorporation (cổ đông chiến lược nắm giữ hơn 15% vốn điều lệ), Công Ty Cổ Phần DIERACORP (nắm giữ 4,3957% vốn điều lệ), quỹ ngoại Composite Capital MasterFund LP (nắm giữ 2,7301% vốn điều lệ), quỹ ngoại Vietnam EnterpriseInvestments Limited (nắm giữ 1,2839% vốn điều lệ).
Trong đó, Composite Capital Master Fund LP là một quỹ đầu tư có đăng ký trụ sở tại quần đảo Cayman được biết đến thông qua một vài giao dịch mua lại cổ phiếu từ Dragon Capital.
Còn Vietnam EnterpriseInvestments Limited là quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital. Ngoài Vietnam EnterpriseInvestments Limited, các cổ đông liên quan đến quỹ này còn sở hữu tổng cộng 173,7 triệu cổ phiếu VPBank, tương đương 2,1889% vốn điều lệ ngân hàng.
Tổng cộng, hai quỹ ngoại trên và nguời liên quan nắm giữ hơn 6,2% cổ phần VPBank.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng sẽ phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của mình và người liên quan gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này.
Bên cạnh đó, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.
Các cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ phải gửi tổ chức tín dụng bằng văn bản cung cấp thông tin lần đầu và khi có thay đổi các thông tin này trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh hoặc có thay đổi thông tin. Riêng về tỷ lệ sở hữu, cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ chỉ phải công bố thông tin khi có mức thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan từ 01% vốn điều lệ trở lên so với lần cung cấp liền trước.
Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng yêu cầu Tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp.
Cũng tại Luật các TCTD (sửa đổi), khái niệm “người có liên quan” đã được mở rộng đến cả đối tượng là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ.
Trước đó, dù nắm giữ vốn tại doanh nghiệp hay ngân hàng, cổ đông sẽ chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm từ 5% vốn doanh nghiệp, ngân hàng trở lên (cổ đông lớn).
Nguồn: Cafebiz.vn