Hôm nay 23/7 và hôm qua 22/7, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã ra hầu tòa với cáo buộc chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư chứng khoán.
Chiều 23/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định trong trường hợp HĐXX tuyên án phải khắc phục 4.300 tỷ đồng, ông sẽ dùng toàn bộ tài sản cá nhân đang bị phong toả để khắc phục hậu quả. Ông Trịnh Văn Quyết cũng tiết lộ số tài sản “đóng băng” ước tính gần 5.000 tỷ đồng. Đây là toàn bộ tài sản tích luỹ trong hơn 20 năm lập nghiệp của bị cáo.
Theo luật sư, thực tế chỉ tính riêng tài sản là cổ phiếu và tiền mặt tại các tài khoản chứng khoán bị phong toả, ông Quyết có hơn 13 tỷ đồng tiền mặt và 1,5 tỷ cổ phiếu các loại (FLC, ROS, ART, GAB, VNM …) với tổng giá trị cổ phiếu (tính theo giá đóng cửa tại thời điểm bị phong tỏa) là khoảng 4.800 tỷ đồng.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố ông Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị can, cơ quan điều tra đã có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo tạm dừng biến động đối với tài sản (bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu…) đứng tên các bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết).
Tính riêng ông Quyết, các tài sản gồm có hơn 215 triệu cổ phiếu FLC, hơn 218 triệu cổ phần tại CTCP đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES, hơn 7,6 triệu cổ phiếu GAB tại CTCP đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC và hơn 1 tỷ cổ phần tại CTCP quản lý vốn và tài sản FLC Holding.
Cùng với đó là hơn 3,1 triệu cổ phiếu ART tại CTCP chứng khoán BOS, 669.000 cổ phần tại CTCP sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản Fam, hơn 11,4 triệu cổ phần tại CTCP FLC Travel, hơn 11 triệu cổ phần tại CTCP Trịnh Gia Việt Nam và những người bạn, 60.000 cổ phần tại CTCP từ thiện xã hội FLC.
Ngoài ra, ông Quyết còn bị kê biên là gần 1.200 m2 nhà đất tại khu đô thị Mỹ Đình 2, P.Mỹ Đình 2, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Cũng tại khu đô thị này, bị can Trịnh Thị Minh Huế bị kê biên hơn 525 m2 nhà đất, bị can Trịnh Thị Thúy Nga gần 400 m2 nhà đất. Riêng bị can Huế còn bị kê biên gần 160 m2 nhà đất tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo cáo trạng, ông Trịnh Văn Quyết cùng cấp dưới tại Tập đoàn FLC đã thực hiện nhiều thủ đoạn gian dối để nâng khống vốn điều lệ CTCP xây dựng Faros (gọi tắt là Công ty Faros) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tức gấp hơn 3.000 lần.
Tiếp đó, dưới sự tiếp tay của các bị can thuộc công ty kiểm toán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE), Công ty Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán. Khi ROS tăng giá, ông Quyết và đồng phạm “xả bán” cổ phiếu, “đút túi” hàng ngàn tỷ đồng.
Kết quả điều tra cho thấy, 30.403 nhà đầu tư đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS (lần bán ra ban đầu) giao dịch trên sàn HoSE, với tổng giá trị thu về hơn 4.800 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Faros chỉ có vốn góp thực gần 1.200 tỷ đồng, hơn 3.100 tỷ đồng còn lại là vốn góp khống. Vì thế, cựu Chủ tịch FLC bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Ở tội danh thao túng thị trường chứng khoán, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bị cáo buộc thao túng giá 5 mã cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC; từ đó thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng.
Nguồn: Cafebiz.vn