Vì rất nhiều lý do – trong đó có lý do về niềm tin – phần đông các nhà đầu tư đều muốn tự cầm tiền của mình để tham gia mua bán trên thị trường chứng khoán. Rất ít trong số họ nghĩ đến việc ủy thác cho các chuyên gia tài chính đầu tư hộ.
Ông nghĩ sao về quan điểm của phần đông nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay: thay vì ủy thác cho một công ty tài chính, lại lựa chọn tự đầu tư dù hạn chế về thời gian, kiến thức và công cụ nghiên cứu?
Ông Võ Trung Cương: Tôi nghĩ phần lớn mọi người đều đang gặp vấn đề về niềm tin. Nó là tất yếu vì thị trường tài chính Việt Nam vẫn chưa được truyền thông một cách đúng nghĩa. Nhưng nếu đã vượt qua được ngưỡng ấy thì niềm tin của nhà đầu tư sẽ ở lại mãi, bởi vì vốn một khi được quản trị bởi đội ngũ chuyên gia đầu tư giỏi chắc chắn sẽ sinh lợi tốt hơn.
Có phải vì thế mà số lượng nhà đầu tư tham gia vào Quỹ mở tại Việt Nam nói chung vẫn còn khiêm tốn?
Ông Võ Trung Cương: Hiện số lượng nhà đầu tư tham gia đầu tư qua quỹ rất thấp, 8 triệu nhà đầu tư, nhưng chỉ 250.000 -300.000 người tham gia đầu tư qua quỹ. Một con số rất khiêm tốn, nghĩa là dư địa phát triển còn rất lớn. Trong khi đó, đa phần các nhà đầu tư trên thế giới lựa chọn đầu tư qua trung gian. Kinh nghiệm đầu tư qua các tổ chức trung gian cho thấy lợi nhuận cao hơn trong khi rủi ro ít hơn.
Đầu tư qua quỹ mang lại lợi nhuận cao hơn trong khi rủi ro ít hơn. Vậy vì sao họ vẫn thích tự cầm tiền đi đầu tư hơn – ngoài yếu tố niềm tin đã nói ở trên – thưa ông?
Ông Võ Trung Cương: Thực ra việc này rất dễ hiểu. Thứ nhất là do tâm lý nhà đầu tư đều muốn làm giàu nhanh, kiếm lời nhanh và nhiều trong ngắn hạn. Trong khi đó loại hình quỹ đầu tư thường hướng đến hiệu quả sinh lời trong trung – dài hạn nên thành ra lại không hấp dẫn họ.
Thứ hai phải nói đến là do tâm lý cho rằng đầu tư chứng khoán đơn giản. Đúng là đầu tư chứng khoán rất đơn giản, bởi vì cần ít vốn, thanh khoản nhanh, thông tin về cơ hội đầu tư hiện nay rất dễ dàng tìm kiếm trên các diễn đàn, mạng xã hội, các nhóm tư vấn… Chính vì dễ dàng quá nên cũng dễ thu hút nhà đầu tư và hình thành suy nghĩ “Tự mình đầu tư cũng được mà”.
Vấn đề thứ ba đến từ truyền thông và giáo dục cộng đồng về quỹ mở chưa thực sự mạnh mẽ. Chúng ta thấy là thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung vẫn còn khá non trẻ so với thế giới. Thế giới đã đi qua gần 100 năm thì chúng ta mới được 24 năm. Và trong 24 năm qua thì khái niệm được truyền thông và giáo dục đại chúng nhiều nhất chỉ mới là những thông tin về thị trường chứng khoán, cổ phiếu, công ty chứng khoán, tài khoản chứng khoán. Thông tin về quỹ mở và chứng chỉ quỹ mở chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây thôi. Đó là lý do, quỹ mở chưa được tiếp cận mạnh mẽ, sâu rộng đến người dân.
Có ý kiến cho rằng: Các công ty quản lý quỹ không cần nỗ lực đầu tư nhiều vì chỉ cần hiệu suất cao hơn VN-Index là đủ. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
Ông Võ Trung Cương: Khi nói về hiệu quả của quỹ lại thường so sánh với chỉ số VN-Index, vì sao lại có điều này? Chúng ta có thể hiểu nôm na là so sánh hiệu quả của một danh mục cổ phiếu có chọn lọc với danh mục của tất cả cổ phiếu. Việc này để kiểm chứng xem hoạt động phân tích và lựa chọn danh mục cổ phiếu của các nhà quản lý có tốt hay không?
Hiệu suất hay hiệu quả của từng quỹ đầu tư sẽ phụ thuộc vào chiến lược và cách vận hành của đội ngũ quản lý quỹ. Đương nhiên những điều này thường được đội ngũ quản lý quỹ xác định ngay từ ngày đầu tiên ra mắt quỹ. Theo tôi các nhà quản lý đều mong muốn làm tốt nhất những gì mình đã đưa ra và cam kết với khách hàng. Tuy nhiên, có những thời điểm ngắn hạn, thị trường chung không tốt dẫn đến hiệu quả của quỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Do đó việc so sánh này cũng một phần giúp nhà đầu tư hiểu thêm là đội ngũ quản lý cũng đang cố gắng làm tốt nhất có thể.
Ngoài ra tôi cũng muốn lưu ý thêm, hiệu quả luôn là thước đo quan trọng của các nhà quản lý quỹ. Vì vậy chúng tôi đều nỗ lực làm tốt nhất và không ai muốn bị tụt lại phía sau trên thị trường. Một nhà quản lý quỹ hiệu quả không tốt cũng giống như đi bán một sản phẩm kém chất lượng, về lâu dài chắc chắn sẽ không thể nào thu hút được khách hàng đến với mình phải không?
Hiện có nhiều quỹ mở trên thị trường, nhà đầu tư cần làm gì để chọn ra quỹ mở phù hợp với họ?
Ông Võ Trung Cương: Khi thị trường xuất hiện càng nhiều sản phẩm thì càng có lợi. Nhà đầu tư sẽ có nhiều thông tin để so sánh, nhiều lựa chọn để gửi gắm niềm tin. Do đó việc nhà đầu tư cần làm là đưa ra lựa chọn thật sáng suốt. Sau đây là 1 vài gợi ý của tôi:
1/ Trước tiên nhà đầu tư cần hiểu rõ mục tiêu tài chính cá nhân của mình là gì?
2/ Tìm hiểu các sản phẩm quỹ mở chính thống để tìm sản phẩm phù hợp với mục tiêu tài chính đã đề ra.
3/ Thời điểm đầu, nhà đầu tư nên phân bổ 2 đến 3 quỹ mở khác nhau để đa dạng hóa lựa chọn, và có cơ hội tìm hiểu, theo dõi, so sánh hoạt động của các quỹ này trong 6 tháng – 1 năm.
4/ Sàng lọc để tìm quỹ mở hay nhà quản lý quỹ mà mình có thể tin tưởng để ủy thác mục tiêu tài chính trong chu kỳ dài hạn hơn.
TCGF là một sản phẩm quỹ mở của TCAM, với chiến lược đầu tư vào cổ phiếu của những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng và những doanh nghiệp đầu ngành của nền kinh tế. Quỹ TCGF cung cấp lựa chọn để nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục, thỏa mãn các điều kiện: chỉ có nguồn vốn thấp nhưng mong muốn có lợi nhuận ổn định và an toàn, có tính thanh khoản cao, được quản lý bài bản bởi chuyên gia quản lý quỹ. Quá trình đầu tư được quản lý một cách minh bạch bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và tài khoản được giám sát bởi một trong số các ngân hàng lớn mà TCAM lựa chọn.
Công ty Quản lý Quỹ Thành Công (TCAM) là đơn vị hoạt động trên hai lĩnh vực quản lý danh mục đầu tư và quản lý quỹ đầu tư, và là một thành viên của TCSC (Chứng khoán Thành Công). TCAM sở hữu lợi thế cạnh tranh nhờ thừa hưởng thế mạnh tài chính từ TCSC và hệ sinh thái Saigon3Group. Sự kiện ra mắt quỹ mở TCGF là dấu ấn quan trọng trong chiến lược phát triển của TCAM và TCSC.
Nguồn: Cafebiz.vn