Vào tháng 4/2024, Nhựa Tiền Phong tung ra chiến dịch khuyến mại kích cầu mới cho sản phẩm phụ tùng, đẩy doanh số tháng 4-5 lên rất cao. Theo thông tin tại ĐHCĐ, chỉ riêng tháng 4, doanh thu của Nhựa Tiền Phong ít nhất là 600 tỷ đồng.
Hồi quý 1/2024, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã cổ phiếu: NTP) báo lãi 109 tỷ đồng. Dù không thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, nhưng là một “cú rơi” gần 34% so với lợi nhuận của quý cuối năm 2023. Trong khi nhìn quãng thời gian dài hơn nữa, cũng là quý 1 nhưng vào năm 2022, lợi nhuận của công ty chứng kiến sự nhảy vọt.
Doanh thu của các doanh nghiệp Vật liệu xây dựng như Nhựa Tiền phong chịu tác động của yếu tố mùa vụ và thời điểm tung ra chính sách kích cầu. Vào quý 1, các doanh nghiệp đều chịu một “quãng nghỉ” từ nửa tháng – 1 tháng do ảnh hưởng của Tết nguyên đán nên thường có doanh số thấp, tuy nhiên cũng có những năm Tết nguyên đán sớm hơn hoặc muộn hơn Tết dương lịch và gây ra sự thay đổi.
Với Nhựa Tiền Phong, một chính sách khuyến mại lớn đã được tung ra vào tháng 12/2023, kích thích các nhà phân phối nhập hàng dự trữ và đẩy doanh thu – tương ứng là lợi nhuận – của Nhựa Tiền Phong quý 4/2023 tăng trưởng hơn các quý trước. Điều này đồng thời kéo theo việc “chấp nhận” sụt giảm doanh số trong quý 1/2024.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2024, Nhựa Tiền Phong tung ra chiến dịch khuyến mại kích cầu mới cho sản phẩm phụ tùng, đẩy doanh số tháng 4-5 lên rất cao. Theo thông tin tại ĐHCĐ, chỉ riêng tháng 4, doanh thu của Nhựa Tiền Phong ít nhất là 600 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của công ty cho thấy điều này, khi doanh thu thuần đạt 1.680 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Đây được giải trình là nguyên nhân lớn nhất giúp cho Nhựa Tiền Phong đạt lợi nhuận sau thuế theo quý lớn nhất lịch sử, với 238 tỷ đồng – tăng 86% so với quý 2/2023. Đi cùng việc triển khai của hoạt động khuyến mại, chi phí bán hàng tăng mạnh 56% so với cùng kỳ năm trước lên mức 205 tỷ đồng.
Tuy nhiên không thể không nói đến một yếu tố giúp công ty có được mức lợi nhuận kỷ lục nói trên, đó là biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 27,7% lên 32,9%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nhựa Tiền Phong ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.629 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 347 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 41% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, cổ đông của Nhựa Tiền Phong đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 với doanh thu bán sản phẩm 5.400 tỷ và lợi nhuận trước thuế 555 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Nhựa Tiền Phong đã hoàn thành được gần 50% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận trước thuế của năm 2024.
MỤC TIÊU KHÁC BIỆT TRONG VIỆC TÌM KIẾM LỢI NHUẬN CỦA NHỰA TIỀN PHONG VÀ NHỰA BÌNH MINH
Từ xưa đến nay, cuộc đua giữa Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh vẫn luôn diễn ra gay gắt khi đây là 2 doanh nghiệp nhựa có thị phần lớn nhất Việt Nam. Trong khi Nhựa Tiền Phong chiếm lĩnh thị phần miền Bắc thì Nhựa Bình Minh đứng đầu thị phần miền Nam. Các sản phẩm chủ lực của cả 2 bên khá tương đồng nhau từ nhựa PVC dùng trong xây dựng và dân dụng đến các dòng sản phẩm HDPE và PPR.
Giai đoạn trước năm 2020, trong suốt nhiều năm, doanh thu của Nhựa Tiền Phong luôn cao hơn Nhựa Bình Minh nhưng từ 2021 đến doanh thu của Nhựa Bình Minh đã có thể so kè sòng phẳng với Nhựa Tiền Phong, xét theo quý, có nhiều quý doanh thu của Nhựa Bình Minh còn vượt trội hơn so với Nhựa Tiền Phong.
Gần nhất của cuộc đua này, năm 2023, doanh thu của Nhựa Tiền Phong là 5.176 tỷ đồng thì doanh thu của Nhựa Bình Minh là 5.157 tỷ đồng. Sang nửa đầu năm 2024, doanh thu của Nhựa Tiền Phong là 2.629 tỷ đồng và của Nhựa Bình Minh là 2.156 tỷ đồng.
Ngang tài về doanh thu nhưng thực tế – như lãnh đạo công ty chia sẻ – giá bán của Nhựa Tiền Phong thấp hơn khoảng 15-17% so với Nhựa Bình Minh, tương đương với việc sản lượng bán hàng cao hơn.
Cùng bởi vì giá bán thấp hơn, lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong nhiều năm nay bị cổ đông “chê” vì “lép vế” hơn so với đối thủ. Từng vượt qua được Nhựa Bình Minh vào năm 2021 do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng từ quý 2/2023, Nhựa Bình Minh lại vươn lên dẫn trước về lợi nhuận. Có những thời điểm, Nhựa Bình Minh còn lãi gấp đôi Nhựa Tiền Phong.
Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, Chủ tịch HĐQT của Nhựa Tiền Phong cho biết công ty giữ mức giá thấp nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp có vốn cổ phần của nhà nước, chia sẻ khó khăn với đối tác, với các đại lý phân phối, với người tiêu dùng… khi nền kinh tế còn nhiều áp lực.
Ông Dũng dẫn chứng, khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, Nhựa Tiền Phong sẽ tăng giá bán sản phẩm trễ hơn, nhưng khi giá nguyên vật liệu giảm, công ty sẽ giảm giá rất nhanh. Riêng trong năm 2022, công ty đã giảm giá bán 2 lần.
Vị Chủ tịch HĐQT cũng nhấn mạnh: “Chiến lược của mỗi là doanh nghiệp khác nhau. Nhưng quan điểm của Nhựa Tiền Phong là muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Đó cũng là con đường phát triển bền vững của Nhựa Tiền Phong”.
Trong khi đó, Nhựa Bình Minh cũng có chiến lược riêng của mình khi cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào sản phẩm chất lượng cao để tạo sự khác biệt so với các đối thủ.
Ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh tin rằng người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm chất lượng thay vì sản phẩm giá thấp. Tuy nhiên, theo đánh giá của SSI Research, việc giá sản phẩm của Nhựa Bình ở mức cao so với các đối thủ có thể làm giảm sản lượng tiêu thụ và có thể khiến một số khách hàng lựa chọn thương hiệu thay thế.
Một điểm khiến cho Nhựa Tiền Phong trở nên nổi bật trên thị trường nhựa Việt Nam hiện nay, đây là doanh nghiệp hiếm hoi vẫn giữ được thương hiệu Việt không “rơi vào tay” nhà đầu tư nước ngoài.
Đối thủ sừng sỏ Nhựa Bình Minh đã về tay người Thái khi Nawaplastic Industries Co., Ltd, công ty con của SCG (Thái Lan) đang sở hữu 54,99% cổ phần.
Đáng chú ý, trước khi hoàn thành việc thâu tóm Nhựa Bình Minh, Nawaplastic Industries Co., Ltd cũng đã từng để mắt tới Nhựa Tiền Phong. Trong giai đoạn 2012 – 2013, Nawaplastic đã bỏ ra khoảng 487 tỷ đồng để sở hữu 10,33 triệu cổ phiếu NTP, tương ứng tỷ lệ 23,84%, cùng thời điểm mua vào Nhựa Bình Minh và bày tỏ tham vọng muốn tăng tỉ lệ sở hữu tại hai công ty nhựa lên 49%.
Tuy nhiên đến năm 2017, Nawaplastic đã thoái toàn bộ vốn tại Nhựa Tiền Phong do không phù hợp về tầm nhìn. Giá trị phần vốn thoái của nhà đầu tư Thái Lan này rơi vào khoảng 1.460 tỷ đồng, gấp 3 lần giá trị vốn đầu tư ban đầu. Ngoài ra, theo tính toán, trong hơn 5 năm đầu tư, The Nawaplastic Industries còn nhận về khoảng 173 tỷ đồng cổ tức bằng tiền từ Nhựa Tiền Phong.
Một phần số cổ phiếu này đã được Sekisui Chemical Co.Ltd – đối tác Nhật Bản của Nhựa Tiền Phong mua vào.
Tự hào giữ vững thương hiệu Việt, Chủ tịch Nhựa Tiền Phong cũng chia sẻ sẽ tiếp tục nỗ lực để nâng tầm sản phẩm dịch vụ, qua đó nâng tầm thương hiệu để một ngày không xa, thương hiệu Việt sẽ vươn tầm quốc tế, sánh vai với các tập đoàn quốc tế lớn trong ngành ống và phụ tùng bằng nhựa.
Trong danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xuất hiện Nhựa Tiền Phong. Hiện nay, SCIC đang sở hữu 37,1% cổ phần của Nhựa Tiền Phong. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty chia sẻ, dù nhà nước còn nắm giữ cổ phần hay không, định hướng “Chia sẻ” của Nhựa Tiền Phong cũng sẽ không thay đổi.
Ngoài SCIC, doanh nghiệp còn có 3 cổ đông lớn khác là Sekisui Chemical (15%), Nhựa Thiếu niên Tiền phong phía Nam (14,27%) và Chủ tịch HĐQT Đặng Quốc Dũng (6,87%).
Thời gian qua, cổ phiếu Nhựa Tiền Phong đã có một đợt tăng giá mạnh. Cùng với thông tin tích cực về lợi nhuận quý 2/2024, kết thúc 5/7, thị giá NTP tăng mạnh 6,46% dừng ở mốc 61.000 đồng/cp, qua đó thiết lập mức giá cao nhất trong lịch sử gần 18 năm niêm yết trên sàn.
Nguồn: Cafebiz.vn