Trong bản tin thị trường, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS Vietnam) đã đưa ra hàng loạt các dự báo về diễn biến thị trường BĐS Việt Nam diễn biến trong nửa cuối năm 2024.
VARS cho hay, việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực từ 1/8. Chắc chắn sẽ có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường Bất động sản.
Nhờ đó, tâm lý “chờ đợi” sẽ được tháo bỏ. Các doanh nghiệp phát triển dự án sẽ ở trong cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý nhà nước. Các chủ đầu tư sẽ tự tin hơn với việc ra hàng. Nhà đầu tư được tiếp thêm niềm tin, thúc đẩy dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng chảy vào Bất động sản.
Chính vì những yếu tố này, thị trường Bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi chậm rãi, bền vững với kết quả tốt dần lên.
Đến cuối năm, quá trình phục hồi của thị trường Bất động sản sẽ có tiến triển rõ nét. Kết quả phục hồi sẽ tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực nhưng với mức độ đồng đều hơn.
Về phân khúc nhà ở, trên cơ sở các bộ Luật mới có hiệu lực sớm, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương không ngừng dốc sức “thúc đẩy” thị trường Bất động sản phục hồi, các doanh nghiệp phát triển dự án sẽ “bung hàng” với hoạt động truyền thông rầm rộ hơn.
Nguồn cung nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục được cải thiện, ước tính tăng khoảng 20% so với 6 tháng đầu năm 2024, chủ yếu tới từ phân khúc hạng sang, cao cấp.
Mức giá bán cũng phục hồi rõ nét cùng với nhiều hơn các sản phẩm thấp tầng khi các đại dự án đang hoàn tất các khâu cuối cùng gia nhập thị trường. Phần lớn các phân khu, dự án mới mở bán đến từ các dự án ở vùng ven thành phố, các tỉnh/thành xung quanh 2 đô thị đặc biệt.
VARS dự báo, nhu cầu mua nhà để ở tiếp tục duy trì ở mức cao cùng với nhu cầu đầu tư phục hồi khoảng 30% so với hồi đầu năm và hướng tới các thị trường mới, còn nhiều dư địa tăng giá,…sẽ thúc đẩy lượng giao dịch tiếp tục tăng.
Theo VARS, lượng giao dịch dự kiến sẽ tăng khoảng 20% so với nửa đầu năm do nguồn cung dự kiến chỉ “bật tăng” vào thời điểm cuối năm, vẫn được đóng góp chủ yếu bởi loại hình căn hộ.
Thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng được cải thiện và sẽ có chuyển biến rõ nét nhất vào thời điểm cuối năm khi nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp Bất động sản phát huy hiệu quả tốt hơn.
Số lượng “xem” nhiều, mua cũng nhiều hơn. Với nguồn cung sơ cấp căn hộ, chủ yếu là căn hộ cao cấp tăng, mặt bằng giá căn hộ, tại các dự án có mức giá quanh 40 triệu đồng/m2 sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn, khoảng 100-300 triệu/căn.
Giao dịch và giá bán biệt thự/liền kề, nhà phố cũng sẽ được cải thiện trên diện rộng, nhất là trên thị trường thứ cấp, nhờ nền tảng phục hồi trước đó và kỳ vọng về mức lợi nhuận cao hơn của nhà đầu tư. Còn đất nền thoát “đáy” giảm giá, dần trở lại là kênh đầu tư “vua”.
Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ “săn đón” đất đấu giá, các lô đất đã tách thửa ở các khu vực có hạ tầng hoàn thiện, mặt bằng giá chưa quá cao.
Phân khúc Nhà ở xã hội cũng đứng trước cơ hội “đảo chiều” khi các quy định mới theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người mua nhà ở xã hội được thực thi hiệu quả; gói tín dụng 120 nghìn được sửa đổi theo hướng ưu đãi hơn.
Nguồn: Cafebiz.vn