VN-Index lần thứ 10 rớt xuống dưới 1.200 điểm

VN-Index đảo qua đảo lại mốc 1.200 là câu chuyện quá quen thuộc với các nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam những năm qua.

Cùng xu hướng đi xuống với chứng khoán khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên lao dốc mạnh. VN-Index đánh rơi 48,53 điểm (-3,92%) xuống mức 1.188,07 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 4/2024. Đà giảm đưa chỉ số xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng.

photo-1722847257692

Đây là lần thứ 10 VN-Index rơi xuống dưới 1.200 kể từ lần đầu tiên vượt mốc điểm này vào đầu tháng 4/2018. Trong quá khứ, khoảng thời gian VN-Index ở trên 1.200 điểm thường rất ngắn ngủi. Lần chỉ số giữ được mức trên 1.200 lâu nhất là giai đoạn từ tháng 4/2021 đến giữa tháng 5/2022. Còn lại đa phần tính theo tuần.

Chiều ngược lại, VN-Index lại thường nằm khá lâu dưới mốc 1.200 điểm. Khoảng thời gian thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm. Lâu nhất chính là giai đoạn kể từ lần đầu chính thức vượt 1.200 vào đầu tháng 4/2018 đến đầu tháng 4/2021, tức là mất 3 năm “chứng sỹ” Việt Nam mới lại thấy mốc điểm này.

Nhìn chung, VN-Index đảo qua đảo lại mốc 1.200 đã là câu chuyện quá quen thuộc với các nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam những năm qua. Tuy nhiên, gia tốc giảm mạnh hơn trong những phiên gần đây có phần khiến chứng sỹ bị sốc. Căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông và động thái bất ngờ đảo ngược chính sách của Nhật Bản có thể là yếu tố tác động đến tâm lý thị trường. Dù vậy, mức độ ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam của những sự kiện này vẫn cần đánh giá thêm.

Áp lực bán có thể gia tăng trong ngắn hạn do margin tuy nhiên triển vọng của thị trường nửa cuối năm vẫn được đánh giá lạc quan. Theo ông Bùi văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC, ba câu chuyện lớn sẽ tác động xuyên suốt đến thị trường trong phần còn lại của năm nay là (1) Chính sách kinh tế nới lỏng (2) Đà phục hồi kinh tế và (3) câu chuyện nâng hạng. Trong đó, đà phục hồi kinh tế và triển vọng nâng hạng sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành, chất lượng tốt để đón đầu đà phục hồi lợi nhuận, các ngành hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế đơn giản là Ngân hàng, Dịch vụ tài chính, Tiêu Dùng, Vật liệu xây dựng, Tài nguyên cơ bản, Bán lẻ…và tránh các cổ phiếu cơ bản kém lúc này.

Đồng quan điểm, ông Trần Trương Mạnh Hiếu – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán KIS cho rằng dòng tiền vẫn đang ở lại trên thị trường và chờ thời điểm thích hợp để giải ngân trở lại. “Khả năng dòng tiền dịch chuyển từ kênh chứng khoán sang các kênh đầu tư khác là rất thấp. Bởi thị trường vàng sau thời gian tăng nóng đã không có biến động mạnh, BĐS vẫn chưa hồi phục và lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp nên những kênh này vẫn khó hấp dẫn dòng tiền lớn từ thị trường chứng khoán”, chuyên gia nhận định.

Triển vọng lạc quan nhưng khó có thể kỳ vọng VN-Index sẽ bứt ra khỏi vòng “luẩn quẩn” quanh 1.200 điểm bởi sự phân hoá đang ngày càng rõ rệt trên thị trường. Cơ cấu thị trường đang có sự thay đổi nhất định theo hướng đa dạng hơn về mặt ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, “bộ khung” tài chính và bất động sản nhìn chung vẫn áp đảo và thực trạng này sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Hai nhóm ngành này được đánh giá vẫn còn những nút thắt chưa thể tháo gỡ trong ngắn hạn liên quan đến thị trường bất động sản.

photo-1722847279152

Điều này khiến thị trường thiếu động lực đi lên dài hạn. Các nhóm ngành “hot” như công nghệ, viễn thông, bán lẻ, y tế, năng lượng,… vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn. Thêm những các đại diện tiêu biểu của những nhóm ngành này cũng đã có giai đoạn tăng khá mạnh trước đó và cần thời gian để định giá về mức cân bằng hơn.

Nguồn: Cafebiz.vn