Đại Đồng Tiến của nữ Chủ tịch Trần Thị Huê 11 tháng chưa đóng bảo hiểm cho người lao động

Tính đến hết tháng 6/2024, Đại Đồng Tiến của Chủ tịch Trần Thị Huê chậm đóng 11 tháng bảo hiểm cho người lao động tương đương số tiền hơn 6,8 tỷ đồng.

Theo số liệu mới cập nhật từ Bảo hiểm xã hội TP.HCM, tính đến hết tháng 6/2024, Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến chậm đóng 11 tháng bảo hiểm cho người lao động, tương đương số tiền hơn 6,8 tỷ đồng.

Đại Đồng Tiến được doanh nhân gốc Hoa Trịnh Đồng và vợ là bà Trần Thị Huê sáng lập năm 1983. Năm 1997, đơn vị trở thành công ty TNHH Nhựa Đại Đồng Tiến và đến 2007 thì chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với tên gọi chính thức như hiện nay.

Năm 2007, ngay sau khi du học Singapore trở về nước, con trai lớn của nhà sáng lập Trịnh Đồng là Trịnh Chí Cường tham gia điều hành công ty khi mới 26 tuổi. Từ sau khi ông Trịnh Đồng lâm bệnh nặng, người con trai cả đã cùng mẹ và em gái gánh vác cơ nghiệp.

Hiện công ty có vốn điều lệ 282 tỷ đồng. Bà Trần Thị Huê giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Trịnh Chí Cường giữ chức Tổng Giám đốc Đại Đồng Tiến. Em gái ông Cường là Trịnh Ngọc Hiền (sinh năm 1987) làm Phó Tổng Giám đốc.

Với định hướng khác nhau trong kinh doanh, người em trai còn lại của ông Trịnh Chí Cường lập công ty riêng, cùng ngành nhựa nhưng “không cạnh tranh với Đại Đồng Tiến”.

Từ một tổ hợp sản xuất nhỏ, đến nay Đại Đồng Tiến phát triển trở thành một trong những thương hiệu sản xuất nhựa lớn nhất Việt Nam.

Đại Đồng Tiến của nữ Chủ tịch Trần Thị Huê 11 tháng chưa đóng bảo hiểm cho người lao động- Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất nhựa của Đại Đồng Tiến

Cho đến nay, nhựa Đại Đồng Tiến có hơn 2.000 nhân viên và 2 nhà máy lớn hàng chục hecta tại quận Bình Tân (TP.HCM) và Đồng Nai. Công ty có hệ thống 60 nhà phân phối, 8.000 cửa hàng và các chuỗi siêu thị trên toàn quốc.

Ngoài thị trường trong nước, các dòng sản phẩm của Đại Đồng Tiến đã có mặt tại hơn 60 quốc gia như: Mỹ, châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Hà Lan…), Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc và toàn Đông Nam Á.

Về tình hình kinh doanh, trong giai đoạn 2017-2022, Đại Đồng Tiến đều ghi nhận doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ năm 2017 công ty lãi ròng 10,9 tỷ đồng, từ 2018-2022 công ty đều báo lỗ.

Cụ thể, năm 2018, Đại Đồng Tiến chính thức lỗ ròng gần 92 tỷ đồng, qua đó lỗ lũy kế gần 59 tỷ đồng, “bào mòn” vốn chủ sở hữu xuống 171,3 tỷ đồng.

Đỉnh điểm là năm 2019, công ty lỗ ròng tới 214 tỷ đồng. Sau đó, từ 2020 – 2022 số lỗ có giảm đi nhưng vẫn duy trì trên 100 tỷ đồng lần lượt là 133,6 tỷ đồng, 111,4 tỷ đồng và 131,2 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu Đại Đồng Tiến âm tới 590 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 820 tỷ đồng.

Nguồn: Cafebiz.vn