Họ đã học cách kiểm soát tài chính sau khi cùng nhau trải qua biến cố.
Cưới 6 năm nhưng không có nổi một đồng tiết kiệm
Phương Anh (28 tuổi) và chồng (32 tuổi) đều là dân văn phòng đang sinh sống tại TP. Hà Nội. Cặp đôi kết hôn từ năm 2016 và cho đến nay, tổng thu nhập của gia đình không có nhiều biến động, duy trì ở mức 22-25 triệu đồng/tháng. Vợ chồng cô và con trai 5 tuổi đang sinh sống tại căn chung cư ở quận Thanh Xuân do bố mẹ hai bên góp vốn mua sẵn từ trước khi kết hôn.
Sau khi kết hôn, do đã có nhà và không chịu áp lực tài chính nào quán lớn nên vợ chồng Phương Anh không nghĩ gì đến tiết kiệm, thậm chí có tháng còn tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được.
Phương Anh chia sẻ: “Tính đến tháng 2 năm ngoái, vợ chồng mình hầu như không có nổi một đồng tiết kiệm. Gia đình 3 người lúc nào cũng ăn uống, chi tiêu dư dả nhưng đổi lại quỹ dự phòng bằng 0. Nhiều tháng vợ chồng còn phải đi vay người thân tiền để tiêu, cuối tháng nhận lương thì trả sau.
Trong gia đình, chúng mình còn không phân ra ai là người nắm tiền chính. Mạnh ai nấy tiêu lương kiếm được, chỉ khi nào phát sinh khoản chi tiêu giá trị lớn thì vợ chồng mới cùng nhau hùn vốn. Chúng mình hiếm khi cãi vã vì tiền, nhưng nói là tự hào về cách quản lý tài chính của nhau thì không”.
Tuy nhiên, đầu năm ngoái đã phát sinh một sự kiện khiến vợ chồng Phương Anh phải ngồi xuống, bàn bạc lại với nhau về cách dùng tiền của họ. Đó là khi chồng cô nàng phải nhập viện, chi phí điều trị và tiền thuốc men là hết 50 triệu. Đây là một khoản chi không quá lớn so với tài chính của nhiều gia đình nếu họ biết chăm chỉ tích lũy từ sớm và hạn chế chi tiêu. Song 50 triệu này lại là cả gánh nặng với gia đình Phương Anh.
Cô nàng tâm sự: “Lúc này mình phải chạy ngược chạy xuôi để vay mượn tiền vì trong túi không còn đồng nào. Có thời điểm, mình còn tính bán vàng cưới để lo liệu mọi chuyện. Cuối cùng, trong 2 ngày mình cũng may mắn xoay sở được đủ tiền điều trị. Ngày chồng ra khỏi viện, chúng mình đã tự hứa là giờ không được phép tiêu hoang phí, để rồi có biến cố thì trong nhà chẳng còn gì để trông vào”.
“Biết đủ thì đủ, không biết đủ thì lúc nào cũng thấy thiếu”
Phương Anh cho biết, sau khi chồng hồi phục sức khỏe, cả hai đã có cuộc trò chuyện nghiêm túc nhất từ sau khi cưới xoay quanh chủ đề tiền nong của gia đình. Lúc đó, cặp đôi mới ngỡ ngàng vì tưởng như tài chính gia đình dù không dư dả nhưng ổn định, thế nhưng thực tế là cả vợ và chồng đều mang nợ.
“Lúc đó, vợ chồng mình mỗi người mang nợ khoảng 10 triệu đồng từ bên ngoài. Mình nợ do thiếu tiền đóng học và mua sắm đồ cá nhân. Chồng nợ vì những khoản đóng góp ở công ty và tiền giao tiếp với đối tác. Chúng mình quyết định việc đầu tiên là nghiêm túc trả nợ, sau đó học cách tiết kiệm và cắt bớt nhu cầu chi tiêu”, cô nàng cho hay.
Hiểu được vấn đề nằm ở đâu, cả hai thống nhất cùng nhau ghi chép lại toàn bộ chi tiêu trong tháng, từ nhỏ đến lớn và không được phép bỏ sót bất kỳ khoản chi nào. Sau đó, họ chia nhỏ các khoản chi theo những nhu cầu khác nhau, tuyệt đối không mua sắm quá tay. “Biết đủ thì đủ, không biết đủ thì lúc nào cũng thấy thiếu” – chính là nguyên tắc tài chính quan trọng nhất của cả hai.
“Sau 3 tháng ghi chép chi tiêu, chúng mình thống nhất chỉ dùng 14-18 triệu đồng/tháng cho tất cả chi phí trong gia đình, 4 triệu đồng cho tiền học của con. Còn lại bao nhiêu thu nhập thì sẽ dùng để tiết kiệm.
Ngoài ra, chúng mình còn phát hiện cả hai đều chi tiêu bừa bãi, gây lãng phí tiền của. Với vợ là mua sắm online và đi chợ thiếu kế hoạch, mua về những thứ không cần thiết và phù hợp với nhu cầu sử dụng. Còn chồng thích bỏ tiền mua hàng cũ với suy nghĩ tiết kiệm vì giá rẻ, chẳng hạn quần áo, loa, phụ kiện,… Nhưng đồ dùng chồng mua về thì không bao giờ chạm đến, bỏ xó ở nhà gây chật chội vô cùng. Từ khi phát hiện khoản chi tiêu này thì chúng mình tuyệt đối giảm bớt, không để chúng ảnh hưởng cuộc sống nữa”.
Cuối cùng, cả hai không còn giữ cách quản lý tiền lương là “mạnh ai nấy tiêu” mà đã chuyển thành vợ làm “tay hòm chìa khóa”. Hàng tháng, cả hai đều giữ 10-15% thu nhập từ tiền lương để làm quỹ riêng, còn lại cất hết vào quỹ chung. Và Phương Anh sẽ là người lo toan quỹ chung này cho chi phí sinh hoạt, gửi tiết kiệm, nuôi con,…
“Thành quả của chúng mình sau cuộc cải tổ tài chính là trả hết nợ, mua sắm thêm đồ đạc mới trong nhà và có một cuốn sổ tiết kiệm. Dù chỉ là thành tựu nhỏ nhưng cũng là động lực để cả hai càng cố gắng chắt bóp chi tiêu và tiêu tiền đúng cách hơn”, Phương Anh bày tỏ.
Nguồn: Cafebiz.vn