Cú sốc của BYD tại Việt Nam: Thị trường vốn bị thống trị bởi VinFast, khách hàng khó đón nhận vì giá cao

BYD chiếm gần một nửa thị trường xe điện ở Đông Nam Á, song tại Việt Nam, mọi thứ sẽ khó tiếp cận hơn nhiều.

Vào một buổi chiều tháng 7 nóng nực, Nguyễn Thanh Hải háo hức chờ đến lượt lái thử mẫu xe điện mới BYD tại Bắc Giang. Đối với ông, một người tự nhận là đam mê xe hơi, đây sẽ là chiếc xe điện đầu tiên trong đời.

“Hai người họ hàng của tôi mua xe VinFast cách đây khoảng 1 tháng”, ông Hải nói với Rest of World. “Tôi có thể sẽ mua một chiếc BYD đấy, nhưng mối lo ngại lớn nhất là thiếu điểm sạc”.

BYD ra mắt Việt Nam vào ngày 18/7 sau nhiều tháng suy tính cách thức hoạt động hiệu quả tại một thị trường vốn đã được thống trị bởi VinFast. BYD chiếm gần một nửa thị trường xe điện ở Đông Nam Á, thu hút loạt khách hàng tại Thái Lan, Malaysia bằng mức giá và dòng sản phẩm hấp dẫn, song tại Việt Nam, mọi thứ sẽ khó tiếp cận hơn nhiều. Nhận định được Abhik Mukherjee, một nhà phân tích ô tô tại Counterpoint Research, đưa ra.

“BYD phải đối mặt với những thách thức đáng kể khi thâm nhập thị trường Việt Nam, chủ yếu là do VinFast gần như độc quyền cơ sở hạ tầng sạc xe điện”, ông nói. 

VinFast thành lập cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017. Hai năm sau, công ty ra mắt 3 mẫu xe đầu tiên và kể từ đó chiếm lĩnh phần lớn thị trường xe điện. Một mạng lưới khổng lồ gồm hơn 150.000 cổng sạc đã được xây dựng. VinFast cũng thông báo với khách hàng rằng họ có thể sạc xe điện tại bất kỳ trạm sạc nào của công ty miễn phí trong 1 năm.

Các công ty EV khác, bao gồm một số ít thương hiệu Trung Quốc như Wuling và Haima, khi hiện diện tại Việt Nam phải sử dụng mạng lưới sạc của bên thứ ba. Có khoảng 100 điểm như vậy trên khắp cả nước, theo ông Vũ Ngọc, giám đốc phát triển kinh doanh tại một đại lý BYD ở Bắc Giang.

“Nhiều khách hàng rất thích chiếc xe này, nhưng lại lo ngại về việc sạc pin”, ông nói và cho biết đến cuối năm, BYD có kế hoạch mở tổng cộng 50 đại lý. Tất cả đều được trang bị cổng sạc nhanh.

Khách hàng cũng có thể sạc xe tại nhà, theo ông Võ Minh Lực, giám đốc điều hành BYD Việt Nam. “Bạn chỉ cần sạc 2 lần/tuần”, ông nói và cho biết công ty đang cấp cho những người dùng đầu tiên bộ sạc di động miễn phí.

Tuy nhiên, theo Ngô Kỳ Lâm, quản lý otosaigon.com, một trong những cộng đồng ô tô lâu đời nhất tại Việt Nam, điều đó có thể sẽ không giải quyết được vấn đề tại các thành phố đông đúc của Việt Nam.

Cú sốc của BYD tại Việt Nam: Thị trường vốn bị thống trị bởi VinFast, khách hàng khó đón nhận vì giá cao - Ảnh 1.

Trong khi đó, VinFast lại có lợi thế với các điểm sạc công cộng. Hãng có thể khai thác mạng lưới trung tâm thương mại và căn hộ rộng lớn của Vingroup để mở rộng cơ sở hạ tầng sạc bất cứ lúc nào.

Được biết, Việt Nam ghi nhận doanh số bán xe điện tăng hơn 400% trong quý đầu tiên của năm nay, theo Counterpoint Research. Các thương hiệu Trung Quốc vì vậy muốn chiếm nhiều hơn thị phần.

Việc thiếu điểm sạc chỉ là một trong những thách thức của BYD tại Việt Nam. Hãng còn phải cạnh tranh với VinFast về giá. Mẫu xe BYD rẻ nhất tại Việt Nam là Dolphin có giá bán lẻ 659 triệu đồng – gấp đôi mẫu SUV mini rẻ nhất của VinFast, VF3.

Trong các diễn đàn ô tô, chiến lược định giá của BYD tại Việt Nam không được đón nhận tốt. Nhiều người chỉ ra rằng 3 mẫu xe BYD có mặt tại Việt Nam — Dolphin, Seal sedan và Atto 3 SUV — đều đắt hơn tại Thái Lan. Giá BYD không có tính cạnh tranh bởi hiện tại hãng đang phải nhập khẩu các mẫu xe từ Trung Quốc và áp thuế quan, theo ông Nguyen Dang Quang, một chuyên gia trong ngành ô tô.

Tại Thái Lan, trải nghiệm khách hàng với BYD cũng không mấy tích cực. Chiến lược giảm giá nhằm dẫn đầu tại một thị trường xe điện vốn đã vô cùng đông đúc như Thái Lan của BYD đã phản tác dụng.

Cú sốc của BYD tại Việt Nam: Thị trường vốn bị thống trị bởi VinFast, khách hàng khó đón nhận vì giá cao - Ảnh 2.

“Lúc mua xe, tôi từng được nhân viên đại lý nói rằng giá sẽ tăng trong vòng 2 tháng nữa sau trợ cấp từ chính phủ hết hạn”, theo Darakorn – một khách hàng mua dòng Atto vào tháng 1/2023.

Thời điểm đó, chiếc SUV mà Darakorn mua có giá 1,19 triệu baht. Hiện, giá chỉ còn dưới 1 triệu baht.

“Nếu nhà sản xuất thông báo rằng giá rẻ giảm tới 340.000 baht chỉ 1 năm nữa, liệu có còn ai mua xe không?”, Darakorn tức giận.

Không cam lòng, Darakorn đã kêu gọi các chủ sở hữu BYD khác trên Facebook đâm đơn kiện tập thể. Khiếu nại đã được gửi đến Hội đồng Bảo vệ Người tiêu dùng Thái Lan.

Chính phủ Thái Lan sau đó quyết định tiến hành một cuộc điều tra nhắm vào BYD khi công ty này giảm giá quá sâu các mẫu xe điện. Động thái này diễn ra bất chấp việc các nhà phân phối của BYD hoàn lại tiền cho khách hàng để xoa dịu phản ứng dữ dội.

Theo: Rest of World, Nikkei Asia

Nguồn: Cafebiz.vn