Một vị trí tại FPT có thu nhập lên đến 10 tỷ đồng/năm

Trong năm vừa rồi, FPT chi 22.825 tỷ đồng để trả cho nhân viên, trung bình 1 ngày khoảng 62,5 tỷ đồng, bình quân thu nhập mỗi nhân viên khoảng 42 triệu đồng/tháng.

Ngày 13/6, đồng chí Phan Đình Trạc – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương – đã đến thăm và làm việc tại FPT Complex – khu công nghệ thông tin tập trung của Tập đoàn FPT tại Đà Nẵng.

Theo VnExpress, tại buổi làm việc, ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc FPT kiêm Tổng Giám đốc FPT Software chia sẻ khoản chi lớn nhất của tập đoàn FPT hiện là lương cho nhân viên. “Mỗi ngày mở mắt ra, lãnh đạo FPT tốn hơn 2 triệu USD để chi trả lương cho hơn 30.000 người”, ông Tuấn cho biết.

Theo báo cáo tài chính năm 2023, tại ngày 31/12/2023, Tập đoàn FPT có 48.162 nhân viên, tăng 5.754 người so với hồi cuối năm 2022. Trong đó, quy mô nhân lực khối Công nghệ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt với 28.533 nhân sự. Tháng 3/2024, FPT Software cũng vừa chạm cột mốc  30.000 nhân sự mang 70 quốc tịch, làm việc tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Trong năm vừa rồi, Tập đoàn FPT chi 22.825 tỷ đồng để trả cho nhân viên, trung bình 1 ngày khoảng 62,5 tỷ đồng, bình quân thu nhập mỗi nhân viên khoảng 42 triệu đồng/tháng.

Theo ông Tuấn, thu nhập trung bình của sinh viên mới ra trường vào FPT khoảng 10 triệu một tháng. Chuyên gia AI, phân tích dữ liệu làm tại Việt Nam có thu nhập ngang với kỹ sư châu Âu, Nhật Bản, thấp hơn ở Pháp khoảng 10%.

Đáng chú ý, ông Tuấn cho biết đối với kỹ sư cao cấp, kỹ sư có lương cao nhất tại tập đoàn lên đến 10 tỷ đồng/năm. FPT không giới hạn mức lương trần mà tính theo năng lực, hưởng theo lao động. Nếu kỹ sư giỏi, có thể tạo ra những công cụ, phần mềm hỗ trợ, họ có thể tăng thu nhập của mình. Thậm chí, ông Tuấn kể rằng trong một số giai đoạn, lương của kỹ sư AI, Data tại FPT thậm chí cao hơn của Tổng giám đốc.

Một vị trí tại FPT có thu nhập lên đến 10 tỷ đồng/năm- Ảnh 1.

Về thu nhập của thành viên HĐQT năm 2023, trong số 10 thành viên HĐQT, có 4 người nhận thù lao tại FPT là ông Hiroshi Yokotsuka (gần 2,4 tỷ đồng), ông Hampapur Rangadore Binod (gần 2,4 tỷ đồng), ông Jean Charles Belliol (960 triệu đồng) và bà Trần Thị Hồng Lĩnh (360 triệu đồng) còn các thành viên khác như Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Bùi Quang Ngọc, ủy viên HĐQT Đỗ Cao Bảo không nhận thù lao.

Về phía ban giám đốc, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa nhận lương 4,4 tỷ/năm cao hơn năm ngoái 240 triệu đồng. Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Phương nhận lương 3,49 tỷ/năm và Phó Tổng giám đốc Hoàng Việt Anh nhận lương hơn 3,23 tỷ/năm.

Tuy nhiên, ngoài thù lao, tiền lương được nhận, các lãnh đạo của FPT còn được nhận cổ phiếu ESOP, trong năm vừa rồi, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa là người được nhận nhiều cổ phiếu ESOP nhất trong ban lãnh đạo với 520.645 cổ phiếu với giá mua vào là 10.000 đồng/cp. Kết phiên giao dịch ngày 13/6, cổ phiếu FPT đang có giá 130.000 đồng/cp, như vậy số cổ phiếu ESOP của ông Khoa được nhận trong năm 2023 có giá trị hiện tại gần 67,7 tỷ đồng.

Nguồn: Cafebiz.vn