Trên cù lao Bảo của tỉnh Bến Tre có một hệ sinh thái du lịch văn hóa, giáo dục công đồng mang tên VinaEcolife. Bà Thanh Trúc bắt đầu gây dựng dự án phát triển bền vững này khi thấy rằng 2 từ “ước mơ” là cái gì đó rất xa vời với những đứa trẻ nơi đây.
Điều gì khiến bà chọn xã Phú Lễ (H. Ba Tri, Bến Tre) làm nơi bắt đầu khởi nghiệp?
Đây là một cơ duyên. Mọi chuyện đến với chúng tôi rất tình cờ trong một chuyến đến đây tham quan. Nhiều chục năm trước, Phú Lễ là một địa phương đặc biệt khó khăn trên cả nước. Bến Tre thời điểm ấy còn là một ốc đảo, các hộ dân ở Phú Lễ hầu hết không có điện, nước, tỷ lệ hộ nghèo hơn 30%.
Thậm chí, khi ấy, hỏi ước mơ của một đứa trẻ ở Phú Lễ, phần lớn đều lắc đầu, chúng chỉ nghĩ đơn giản về những nghề có thể nhanh chóng kiếm được tiền… Hai từ “ước mơ” và hình dung về tương lai có nghề nghiệp theo sở thích, đúng năng lực vẫn là một điều gì đó rất mơ hồ trong tâm trí của các em.
Gánh nặng phải lo cơm áo gạo tiền đặt trên vai họ khiến đời sống tinh thần phong phú trước đây ngày càng trở nên phai nhạt, tình cảm bên trong họ ngày càng trở nên ít ỏi.
Tôi ngồi xuống nói chuyện với bà con về việc cùng bà con giữ đạo nghề, truyền lại tinh thần kiến tạo sản phẩm độc đáo cho con cháu. Bởi tôi biết, giữ được đạo nghề, tạo ra sản phẩm đàng hoàng, tử tế thì tự nhiên cuộc sống của mình sẽ đi lên. Thế nhưng, đổi lại chỉ là những cái lắc đầu, không tin tưởng.
Bà giải quyết những “cái lắc đầu” đó như thế nào?
Nói về đạo nghề, về sự tử tế của sản phẩm, nhưng thực tế chính tôi cũng không hiểu rõ ràng những khái niệm đó mà chỉ dùng quá trình sống và lớn lên để chứng minh. Sau này, tôi đi học, tôi mới biết được thế giới gọi đó là phát triển bền vững. Vì vậy, tôi xác định câu chuyện của mình là không vội mà cần đi từng bước, bước nào chắc bước đó.
Chúng tôi quyết định triển khai một mô hình kết hợp kinh tế, xã hội, môi trường lấy trục giáo dục cộng đồng làm chuẩn. Kinh tế làng nghề truyền thống kết hợp hài hoà với các hoạt động giữ gìn văn hoá – lịch sử bản địa, thực hành canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên.
Năm 2004, chúng tôi xin phép Ủy ban xã Phú Lễ và tổ chức nói chuyện với 20 bà con về câu chuyện hợp tác. Lần đầu tiên nghe đến khái niệm một công ty tư nhân hiếm hoi được mở tại xã, nên bà còn vẫn dè chừng. Cuối buổi, chỉ có 3/20 bà con đồng ý hợp tác.
Sau 1 năm, kết quả nhận được khả quan, bà con bắt đầu đón nhận. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, chúng tôi đều đặn tạo các hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần của mọi người và bảo vệ môi trường như là trồng cây, giảm rác thải, tổ chức thể dục, thể thao, đọc sách, “phạt” khi nhân viên nói tục, mời người thân của nhân viên đến công ty nói chuyện về tương quan trong gia đình trong những ngày hội gia đình… May mắn những hoạt động ấy giúp những cuộc cãi nhau trong gia đình của nhân viên ít hơn, bắt đầu lời hay ý đẹp xuất hiện trong đầu khiến họ dần thay đổi tích cực mỗi ngày.
Bên cạnh việc tổ chức làng nghề truyền thống phối hợp nhịp nhàng cùng nhà máy hiện đại, chúng tôi bắt đầu mở rộng sự quan tâm đến các việc trồng trọt, chăn nuôi và tổ chức cuộc sống nơi đây với sự giúp sức của nhiều chuyên gia. Câu chuyện về cuộc sống xanh và đẹp được mở ra đồng hành cùng bà con.
Qua những cuộc đối thoại về chăn nuôi, canh tác xưa và nay, tôi nhận ra bà con cũng đã đánh giá được những sự khác biệt nhất định, ví dụ như chăn nuôi bò ngày xưa thì thịt ngon hơn bây giờ, nhưng khi tôi hỏi tiếp về nguyên nhân vì sao như vậy thì bà con không thể trả lời.
Có lần, trong khoảng lặng khi bà con trầm ngâm suy nghĩ, tôi tiếp tục đặt câu hỏi: “Bà con có công nhận rằng xưa nuôi ít, nhàn nhã hơn, còn có thời gian để vui chơi nhưng sản phẩm ngon hơn. Còn bây giờ dành nhiều chăm sóc hơn, không có thời gian vui chơi mà cũng chỉ kiếm được nhiêu đó tiền. Vậy bà con lựa chọn cuộc sống nào?”.
Ngay lập tức, ai cũng chọn cuộc sống đầu tiên, nghĩa là đời sống có sẵn trong tự nhiên chỉ là họ quên hoặc đánh mất mình. Và bây giờ một số người chợt đã bừng tỉnh.
Vậy bà xây dựng hệ sinh thái VinaEcolife với mục tiêu ra sao?
Ban đầu khi chưa có hệ thống, quy trình nên mọi thứ chúng tôi làm trở nên rời rạc với nhau hoặc đơn giản là hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Sau một thời gian, tôi nhận ra rằng, muốn làm cho hoạt động này tạo ra nhiều giá trị hơn, mình cần khởi nghiệp dự án có giá trị mạnh hơn.
Tôi đặt ra sứ mệnh cho VinaEcolife là góp phần xây dựng đời sống an lạc cho người dân bằng những giải pháp giáo dục cộng đồng và hoạt động du lịch bền vững tại vùng nông thôn.
Năm 2017, chúng tôi bắt đầu mở ra các dự án về văn hoá, lịch sử, du lịch trải nghiệm nông nghiệp tự nhiên. Bước đầu, chúng tôi tạo ra cái nghề, công việc để nông dân làm, tạo động lực.
Đến năm 2022, Dự án Khu trải nghiệm Cuộc Sống Mới ra đời tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, căn cứ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp nhận chủ đầu tư của UBND tỉnh Bến Tre, hòa nhịp cùng tầm nhìn tỉnh Bến Tre sẽ phát triển đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc và du lịch thân thiện.
“
Thành lập từ năm 2017, đến nay VinaEcolife có 7 năm hoạt động, dự án hiện đang như thế nào, thưa bà?
3 năm đầu tiên chúng tôi đã thực hiện khảo sát địa bàn. Chúng tôi vừa làm, vừa dành thời gian để đến các hộ dân tìm hiểu vấn đề tồn đọng là gì.
Hiện nay, VinaEcolife đã tạo dựng nên một hệ sinh thái, trong đó chú trọng phát triển du lịch xanh và bền vững phối hợp cùng các hoạt động giáo dục cộng đồng trên quê hương xứ dừa. Chúng tôi đang sở hữu 5 loại hình hoạt động nhằm tạo việc làm phải phù hợp năng lực, cá tính của mỗi nhóm đối tượng tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung.
Đầu tiên là VinaEcolife Lodge. Đây là nơi trải nghiệm đáng nhớ tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre khi gắn kết người du khách cùng không gian văn hóa – lịch sử địa phương.
Thứ hai là VinaEcolife Learning Hub sẽ mang lại những chương trình giáo dục cộng đồng nhằm cải thiện sự công bằng cơ hội cho vùng sâu. Điều này góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng để mỗi cá nhân biết sống chủ động, tự lực, tự cường, kiến tạo tương lai.
Thứ ba, VinaEcolife Plant – Based Restaurant giúp chúng tôi chúng tôi cung cấp những món ăn chay lành sạch từ chính vùng nguyên liệu của người dân bản địa với mong muốn lan tỏa lối sống lành sạch.
Thứ tư, VinaEcolife Gift Shop tham gia bán các sản phẩm thủ công truyền thống, nông sản do người dân vùng quê sản xuất, góp phần cải thiện sinh kế cho bà con.
Và cuối cùng, VinaEcolife Garden là dự án về vườn rau, vườn thuốc nam dành cho gia đình.
Tổng thể, VinaEcolife, tôi thấy rằng, trong mọi việc thì giáo dục vẫn là cốt lõi, kể cả trong du lịch hay tổ chức cuộc sống hàng ngày. Vì vậy chúng tôi đã chọn câu slogan cho dự án là “Đi học hỏi + Sống yêu thương”.
“Go to learn – đi học hỏi”, tức đến đây, chúng ta sẽ hòa mình vào nhịp sống hiền hoà nơi thôn dã, gắn kết cùng cộng đồng và dấn thân cống hiến; và “Live to love – sống yêu thương” bằng những thực hành lối sống xanh, tham gia thiện nguyện, trồng cây, chia sẻ kiến thức… giúp ta hoàn trả ân tình cuộc sống. Nói cách khác, đây là sự thực hành du lịch bền vững và giáo dục cộng đồng (Social Edu Retreat). “Live to love – Sống yêu thương” là kết quả tốt đẹp gặt hái được từ hoạt động học tập, trải nghiệm hay thiền định của chương trình giáo dục cộng đồng.
Quay lại một chút về bài toán kinh tế, bà làm thế nào để thu hút khách hàng đến với mô hình này?
Hiện nay chúng tôi cùng một lúc làm 3 việc.
Đầu tiên là xây dựng văn hoá doanh nghiệp với hệ giá trị cốt lõi: “đáng tin, học tập suốt đời và đời sống tinh thần”. Đây là nền móng cho hành trình phát triển bền vững.
Thứ hai là tiếp tục phát triển câu chuyện làng nghề truyền thống trăm năm với những sản phẩm mới và độc đáo kết hợp với du lịch làng nghề. Vừa giữ gìn tài nguyên bản địa, vừa đảm bảo chỗ dựa kinh tế cho các dự án phụng sự cộng đồng.
Thứ ba là quản lý công việc khoa học và đóng góp xã hội một cách hiệu quả. Chúng tôi học tập và cải tiến liên tục, chú trọng hoạt thiện nguyện theo tinh thần “làm phát triển” cộng đồng.
Tôi tin rằng, giá trị cộng đồng là điểm cốt lõi giúp các sản phẩm và dịch vụ của VinaEcolife được khách hàng đón nhận.
Chúng ta đã nói nhiều về những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, thế nhưng có một nghịch lý rằng doanh nghiệp luôn cần có những con số.
Thoạt đầu mình thấy có vẻ là nghịch lý nhưng thực ra là không!
Từ ngàn xưa, Việt Nam chúng ta đã có 1 hình tượng rất đẹp là “Ngọc trong đá”, tức người ta có thể mua một tảng đá với giá 1 đồng, nhưng khi mài giũa sẽ mang tới giá trị giá 10.
Muốn bền vững thì phải chọn đi về phía văn minh. Khi đã chọn hướng đi đúng, chúng tôi không ngừng học hỏi, nỗ lực cải tiến. Hành trình chăm chỉ tạo ra giá trị thực sẽ mang lại lợi nhuận xứng đáng.
Từ bao giờ bà xem việc tạo giá trị cộng đồng, phát triển bền vững là một kim chỉ nam trong con đường kinh doanh của bản thân?
May mắn đầu tiên của tôi là từ nhỏ đã được ông bà ngoại dạy cho cách đối nhân xử thế, nên trong xóm ai cũng thương. May mắn thứ 2 là người sếp đầu tiên của tôi có tầm nhìn về khả năng tương quan để xây dựng mối quan hệ giữa mình, mọi người và cộng đồng.
Và đặc biệt, đó cũng là nghiên cứu 70 năm của Đại học Harvard về câu chuyện hạnh phúc được tạo ra từ mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Đây là những sự sơ khai về tri thức của tôi đối với mối quan hệ cộng đồng. Đến năm 2010, khi theo học các chương trình quốc tế tôi đã được tiếp xúc khái niệm trên một cách chính thức.
Năm 2015, khi Liên Hiệp Quốc đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, chúng tôi xác định mình đã đi đúng hướng. Đồng thời khái niệm thương mại công bằng cũng đã đi đúng hướng nên chúng tôi mạnh dạn áp dụng mô thức kinh doanh đó vào công việc của mình, nó được gói gọn trong 3 nền tảng là nền tảng sinh thái, xã hội và kinh tế.
Bà ấp ủ điều gì khi khởi nghiệp dự án mới ở độ tuổi U50?
Khi khởi nghiệp ở độ tuổi U50, tôi muốn sống mạnh mẽ hơn với cam kết trở thành nhà lãnh đạo phục vụ.
Đối với công ty đầu tiên, sau 15 năm, tôi đã có 1 đội ngũ kế thừa. Với tôi, xây dựng công ty rất khó, nhưng để tìm người kế thừa và phát triển mới lại còn khó hơn. Tôi đã xác định chuyện đó là ngay từ đầu đối với dự án VinaEcolife. Vì vậy, tôi bắt đầu xây dựng đội ngũ VinaEcolife với các bạn trẻ và quyết định trao quyền ngay từ đầu. Là người sáng lập, tôi chọn đồng hành và làm coach cho các bạn. Tôi cảm thấy rất hào hứng và hiệu quả với cách làm này.
Cuối cùng, nhìn lại một hành trình đã qua, điều gì khiến bà cảm thấy hạnh phúc nhất?
Tôi kể cho bạn nghe, khi tôi mới lập gia đình là 1 cô dâu trẻ về nhà chồng, tất nhiên sẽ có những va chạm làm tôi đau lòng. Khi nhận ra cách để hóa giải những mâu thuẫn đó, tôi cảm thấy an lạc, sống rất vui vẻ. Những trải nghiệm của chính bản thân đã cho tôi thấy rằng điều tôi trân trọng nhất là giữ được mối tương quan. Hay chính trong công việc của tôi lúc mới lập doanh nghiệp, do thiếu khoa học quản trị nên có những hành xử không phù hợp với nhân sự.
Dù vẫn đảm bảo về chế độ phúc lợi chính sách nhưng kiểu gì đi nữa trong tương tác của mình cũng sẽ có gây lỗi. Khi tôi tự nhận thức được điều đó, tôi phản tỉnh và được phản hồi và nhận ra mình hoàn toàn có thể làm cho mối quan hệ tốt hơn bằng cách học cách xây dựng mối tương quan tốt đẹp.
Khi trải qua nhiều thử thách, tôi may mắn hiểu được rằng: chất lượng các mối quan hệ trong cuộc sống mới là điều giúp cho mình an lạc. Đó cũng là sự gắn kết với bản thân, với cộng đồng và với thiên nhiên. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được góp phần, dù nhỏ bé, nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng bằng cách lan toả kiến thức, lòng vị tha và tình yêu thiên nhiên khi xây dựng câu chuyện VinaEcolife.
Xin cảm ơn bà vì những chia sẻ này!
Nguồn: Cafebiz.vn