3 ‘soái ca’ startup một thời: Người bắt đầu lại từ đầu, người nghi vấn đóng cửa công ty vì tranh chấp với vợ

Điểm chung của cả 3 founder này là đều có ngoại hình nổi bật, cùng phong thái tự tin, cuốn hút.

3 ‘soái ca’ startup một thời: Người bắt đầu lại từ đầu, người nghi vấn đóng cửa công ty vì tranh chấp với vợ- Ảnh 1.

Khôi Nguyễn, nhà sáng lập WeFit – một nền tảng trung gian kết nối các phòng tập và khách hàng, được giới khởi nghiệp biết đến như người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực sức khỏe và thể hình.

WeFit được thành lập vào năm 2016, Khôi Nguyễn đóng vai trò là Founder & CEO dẫn dắt đội ngũ 12 người.

Khi ấy WeFit đã nhanh chóng nổi lên như một hiện tượng, sau 1 năm ra mắt, nền tảng này đã sở hữu khoảng 5.000 khách hàng sử dụng hàng tháng và 600 đối tác ở cả Hà Nội và TP.HCM, doanh thu năm 2017 đạt 700.000 USD.

Sự thành công của WeFit đã giúp Khôi lọt vào top 3 CEO tiềm năng tại chương trình Startup Festival 2016, top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017; và được vinh danh trong top Forbes Vietnam 30 Under 30 năm 2018.

Năm 2019, WeFit gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CyberAgent Capital, nâng vốn điều lệ từ 1.66 tỷ lên 27,7 tỷ đồng. Tuy nhiên những sai lầm trong chính sách quản lý đã khiến start-up này phải trả một cái quá lớn. Với mô hình kinh doanh là cung cấp các gói tập luyện không giới hạn cho tất cả các người dùng, WeFit đã phải đối mặt với tình trạng “cheating” – nhiều người dùng chung một tài khoản, các booking ảo.

Sau nhiều thông tin liên quan đến nợ đọng đối tác phòng tập, spa cũng như phản ứng tiêu cực của khách hàng về việc thay đổi cấu trúc gói sản phẩm đã bán, Khôi Nguyễn rời ghế CEO WeFit vào tháng 2/2020. Sáng 11/5/2020, WeFit thông báo đã nộp đơn yên cầu mở thủ tục phá sản do cạn kiệt dòng vốn.

Sau sự sụp đổ của Wefit, Khôi Nguyễn cũng im hơi lặng tiếng trên thương trường. Đến tháng 6/2022, anh bất ngờ xuất hiện trong họp báo của Công ty Cổ phần Giáo dục Lớp học nhỏ, hay còn gọi là Kiến Guru. Anh được giới thiệu là CEO của dự án.

Tháng 5/2023 vị doanh nhân này cập nhật tài khoản Linkedin, thông báo trở lại ngành với một vai trò mới: Chief Innovation Officer (Giám đốc đổi mới sáng tạo) tại Apero Technologies Group. Tuy nhiên, thông tin từ Linkedin của Khôi cũng cho thấy, anh đã rời Apero từ tháng 12/2023. 

3 ‘soái ca’ startup một thời: Người bắt đầu lại từ đầu, người nghi vấn đóng cửa công ty vì tranh chấp với vợ- Ảnh 2.

“Triệu phú tự thân”, “CEO bỏ thi đại học” là những biệt danh được nhắc đến khi nói về Nguyễn Văn Dũng. Với niềm đam mê công nghệ từ những ngày còn là cậu học sinh lớp 6, Dũng đã khởi nghiệp từ năm 18 tuổi.Với 2 startup thành công là Netlink và Metub, Dũng trở thành triệu phú khi mới ngoài tuổi đôi mươi.

Khát vọng xây dựng một startup “kỳ lân” mang thương hiệu Việt, năm 2017 Nguyễn Văn Dũng thành lập Luxstay – Nền tảng chia sẻ phòng lưu trú cao cấp với mạng lưới phủ khắp cả nước.

Luxstay mang đến công nghệ đóng vai trò là cầu nối giữa khách hàng và người kinh doanh dịch vụ lưu trú. Thay vì giao dịch thông qua mô giới, đại lý du lịch, khách hàng có thể dễ dàng thực hiện các dịch vụ qua Internet.

Với tiềm năng phát triển của ngành du lịch khi ấy, mô hình kinh doanh home-sharing của Luxstay đã lọt vào mắt xanh của nhiều quỹ đầu tư, và các nhà đầu tư lớn. Năm 2017, đơn vị đã được 2 quỹ Genesia Ventures và ESP Capital rót vốn. Đến 2018, start up tiếp tục gọi vốn thành công thêm 2,5 triệu USD từ Genesia Ventures, Founders Capital, Y1 Ventures và 2 nhà đầu tư khác. 

Đầu năm 2019, Luxstay lại được rót thêm 3 triệu USD từ quỹ CyberAgent và các nhà đầu tư khác. Cũng trong năm 2019, đơn vị này gọi vốn thành công 4,5 triệu USD từ 2 nhà đầu tư Hàn Quốc khác. Luxstay lên sóng truyền hình tại chương trình Shark Tank mùa 3 và được rót thêm 6 triệu USD – trở thành start up được gọi vốn nhiều nhất trong lịch sử của chương trình.

Tuy nhiên, Covid -19 xảy đến vào đầu năm 2020 khiến ngành du lịch chịu nhiều tổn thất nặng nề. Luxstay cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch. Năm 2022, start up bước vào giai đoạn tái cấu trúc, đổi tên thành LuxWorld, đến nay đã chuyển đổi mô hình kinh doanh thành GameFi ứng dụng Web3 và NFT. 

3 ‘soái ca’ startup một thời: Người bắt đầu lại từ đầu, người nghi vấn đóng cửa công ty vì tranh chấp với vợ- Ảnh 3.

Kevin Tùng Nguyễn là cái tên nổi danh trong giới statup với nền tảng tuyển dụng mang tên JobHopin và từng lọt vào danh sách Forbes 30 under 30 châu Á năm 2019. 

Theo giới thiệu, JobHopin sử dụng AI và machine learning để tự động hóa quy trình tuyển dụng. JobHopin cho biết họ đã tăng trưởng hơn 300% doanh thu hàng năm kể từ năm 2018 và dự kiến sẽ đạt được lợi nhuận tại thị trường Việt Nam vào đầu năm 2021.

Thời điểm năm 2020, JobHopin từng tự hào chia sẻ có hơn 2.000 khách hàng doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp này upload CV của ứng viên lên ứng dụng, ứng dụng sẽ tự động phân tích ứng viên này phù hợp với công việc gì nhất và những kỹ năng, mong muốn nghề nghiệp của ứng viên đó phù hợp bao nhiêu % với tiêu chí của nhà tuyển dụng.

JobHopin có tên đăng ký kinh doanh là CTCP Doanh nghiệp Xã hội Ivy Care (Ivy Care). Công ty thành lập vào 5/8/2016, hoạt động chính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người già với vốn điều lệ 2,5 tỷ đồng, sau đó tăng lên 3,4 tỷ đồng.

Năm 2018, JobHopin đã huy động được 710.000 USD trong vòng gọi vốn seed do KK Fund và công ty dịch vụ nhân sự Nhật Bản Mynavi Corporation dẫn đầu.

Tháng 5/2020, JobHopin gọi được 2,45 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A, nâng tổng số vốn mà họ huy động được là hơn 3 triệu USD (tương đương khoảng 75 tỷ đồng).

Cũng trong năm này, Ivy Care tăng vốn 20 lần lên 71,6 tỷ đồng với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài Singapore có tên JOBHOP PTE.LTD nắm 99% cổ phần. Sau đó tăng vốn lên 163,3 tỷ đồng vào hồi đầu năm 2023. Ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật).

Theo công bố thông tin về kết quả kinh doanh trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, năm 2023, CTCP Doanh nghiệp Xã hội Ivy Care lỗ sau thuế gần 33 tỷ đồng, năm 2022 cũng lỗ hơn 25 tỷ đồng và năm 2021 lỗ 33 tỷ đồng. Với tình hình thua lỗ trên, đến tháng 12/2023, vốn chủ sở hữu Công ty tiếp tục giảm xuống còn 48 tỷ đồng. Tại thời điểm này, vốn điều lệ của công ty là 163,3 tỷ đồng nên ước tính lỗ luỹ kế tối thiểu 115 tỷ đồng.

Mới đây, nguồn tin từ Techinasia cho biết, nhà sáng lập Kevin Tùng Nguyễn đã tạm thời đóng cửa hoạt động JobHopin và Skola. Theo nguồn tin của Techinasia thì Kevin Tùng Nguyễn đang có tranh chấp pháp lý với người vợ của mình về quyền sở hữu tại Skola – một nền tảng edtech được đăng ký tại cả Việt Nam và Singapore.

Nguồn: Cafebiz.vn