Đối tác của TikToker Hằng Du Mục trong phiên live “5 phút 12 tấn sầu riêng” là FoodMap – startup hàng đầu Việt Nam về công nghệ nông nghiệp, ra đời với mong muốn bán được nông sản Việt với giá trị cao. Do những lời “vạ miệng” từ đại diện nhà vườn trong phiên live, FoodMap đang phải nhận nhiều đánh giá 1 sao trên TikTok Shop.
Trưa ngày 7/7, Hằng Du Mục – một trong những TikToker nổi bật nhất hiện nay, đã có phiên livestream bán nông sản gây chú ý khi bán hết 12 tấn sầu riêng chỉ trong vòng 5 phút. Phiên live còn có sự đồng hành của Quang Linh Vlog – một KOL khác trên mạng xã hội sở hữu kênh TikTok 4,1 triệu người theo dõi.
“Chúng tôi chuẩn bị cho chương trình hơn 1 tháng, mục tiêu bán hết 1 container sầu riêng với số lượng từ 15 – 17 tấn, chủ yếu là sầu Ri 6 ở Đăk Lăk và một ít sầu riêng Musang King tại Khánh Hòa. Ngay từ chiều 7/7, hàng đã bắt đầu giao đến người tiêu dùng để bảo đảm chất lượng“, Phạm Ngọc Anh Tùng – Founder FoodMap Asia, đối tác cung cấp sầu riêng trong phiên live – chia sẻ với truyền thông.
Tưởng chừng phiên live ngày 7/7 của Hằng Du Mục đã thành công mĩ mãn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản Việt qua kênh bán online. Tuy nhiên, sự cố đã xảy ra trong khung giờ bán buổi tối, xuất phát từ một đại diện nhà vườn là chị Nguyễn Thái Huyền, người còn được biết đến với biệt danh “O Huyền Sầu Riêng” và là bà chủ công ty xuất nhập khẩu HTN Agrigreen.
Cụ thể, chị Huyền nhận về nhiều lời phàn nàn trên mạng xã hội vì nói quá nhiều, lấn lướt cả chủ kênh là Hằng Du Mục, buông những lời “kém duyên” với Quang Linh Vlog khiến anh khó xử.
Hậu quả là nhiều người đã kêu gọi nhau hủy đơn hàng, tràn vào thả “phẫn nộ” trên các mạng xã hội của Nguyễn Thái Huyền và cả FoodMap, đồng thời để lại đánh giá 1 sao. Hiện tại, gian hàng trên TikTok Shop của FoodMap chỉ còn 3,2 sao, giỏ hàng cũng phải để “ẩn”.
Sau “drama sầu riêng”, FoodMap đã đăng một video trên TikTok kêu gọi khách hàng đừng vội hủy đơn, bởi phiên live là kết quả của “hơn 30 ngày miệt mài và nỗ lực tuyển chọn từ hơn 50 vườn sầu riêng và hơn 100 cộng sự, tuyển chọn từng quả sầu riêng từ các nhà vườn canh tác an toàn, kiểm tra chất lượng sầu riêng, tỉ mỉ từ khâu đóng gói…”.
“Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng cũng không tránh khỏi những sơ suất từ chủ quan lẫn khách quan. FoodMap xin lỗi vì những trải nghiệm chưa tốt trong phiên live 7/7 vừa qua“, công ty lên tiếng.
FoodMap (tên đầy đủ là Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO) được thành lập từ tháng 12/2018, là một startup trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chuyên kết nối người nông dân với người tiêu dùng thông qua việc trực tiếp thu mua, quảng bá, thương mại và vận hành hàng hóa đến người tiêu dùng.
Xuất thân từ một sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM với kiến thức về công nghệ, đặc biệt là mảng tự động hóa, Founder FoodMap Phạm Ngọc Anh Tùng quyết định khởi nghiệp khi thấy nông sản Việt dù vô cùng chất lượng nhưng “không chỉ thua trên sân khách mà cả sân nhà”.
Chia sẻ hồi năm 2022, anh Tùng cho biết tại thời điểm khởi sự FoodMap chỉ có hai bàn tay trắng, đúng nghĩa “tay không bắt giặc”.
“Website là được anh em hỗ trợ, văn phòng đầu tiên được anh Hải Ninh – nhà sáng lập The Coffee House cho mượn, những công nợ đầu tiên được bà con đồng ý “mua trước, trả sau”. Nhờ quá trình ăn nằm với nông nghiệp, có những hiểu biết và xây dựng mối quan hệ với bà con nông dân rất sâu, nên dù tay trắng tôi vẫn có thể bắt đầu khởi nghiệp“, Founder FoodMap kể lại.
Hồi tháng 7/2020, FoodMap nhận được đầu tư từ quỹ WaveMaker, bắt đầu có sự chuyên nghiệp nhất định. Giai đoạn tháng 7/2020 – tháng 9/2021, công ty chuyển sang văn phòng mới, dần trở thành “top of mind” trên thị trường, tăng trưởng 7 lần về doanh số, kết thúc vòng pre Series A với 4 nhà đầu tư và được rót gần 3 triệu USD. Thời điểm tháng 11/2022, Anh Tùng cho biết mức tăng trưởng hàng năm của FoodMap đạt 149%.
Theo thông tin trên website, trong hơn 5 năm hoạt động, FoodMap đã cung ứng hơn 2.000 loại nông sản và thực phẩm có nguồn gốc từ hơn 300 trang trại, 500 nhà sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Công ty cung cấp hàng cho những chuỗi bán lẻ lớn như Metro Mart, Bách Hóa Xanh, Lotte…; đồng thời bán lẻ trên các kênh online – bao gồm website foodmap.asia và các sàn thương mại điện tử.
Điểm khác biệt giữa FoodMap với các startup nông nghiệp nằm ở yếu tố công nghệ. Anh Tùng cho biết logistics – kho bãi chỉ là những đầu tư về mặt vật lý, còn công nghệ mới là yếu tố kết nối và tối ưu vận hành.
“Làm sao để FoodMap có thể cập nhật giá nông sản theo thời gian thực, làm sao để đội ngũ bán hàng có thể nhận được thông tin về giá ngay lập tức, nhằm đưa ra những đề nghị tốt cho khách hàng, rồi làm sao để tối ưu được vận chuyển hoặc bảo quản“, nhà sáng lập chỉ ra.
“Trong vài năm tới, song hành với mục tiêu đưa nông sản – đặc sản Việt lên ngôi ở thị trường nội địa, FoodMap cũng sẽ tập trung vào hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp Việt xuất khẩu ra khắp thế giới“, Anh Tùng chia sẻ.
Nguồn: Cafebiz.vn