Dù phủ sóng khắp các tỉnh thành với 2.000 cửa hàng, song Milano vẫn đối diện với rất nhiều rủi ro và thách thức khi kinh doanh theo mô hình nhượng quyền.
Trong buổi phỏng vấn Doanh nhân chính truyện – Signature Voice với Kinh tế Sài Gòn Online, anh Nguyễn Bá Đạt, Giám đốc điều hành Milano Coffee đã chia sẻ hành trình Milano đã đi từ quán cà phê bình dân đến chuỗi nhượng quyền nổi tiếng.
Hồi tưởng lại những năm 90-2000, thời điểm mà chất lượng cà phê vẫn chưa thật sự ổn, founder Milano đã trăn trở, tìm tòi cách làm ra một ly cà phê “chất”, “sạch”, tạo ra hạt cà phê thương hiệu riêng.
Lý giải về điều đã thôi thúc anh Đạt mở quán cà phê Milano đầu tiên tại Gò Vấp, TPHCM cuối năm 2011, anh Đạt nhớ lại: “Ban đầu, dự định của anh chỉ là rang xay cà phê và phân phối cà phê thật cho các quán. Nhưng lúc đó, các quán lại không chế biến theo cách mà anh mong muốn”.
Chính điều này đã đánh dấu bước chuyển mình của Milano từ nhà cung cấp cà phê tới chủ chuỗi thương hiệu đồ uống đắt khách ở TPHCM.
Giải mã cho thách thức “đồng nhất chất lượng”
Ngay từ đầu, Milano đã định hướng phát triển cửa hàng theo hình thức nhượng quyền, đây cũng là mảng kinh doanh cốt lõi của công ty.
“Với những ai có đam mê khởi nghiệp, chỉ cần bỏ ra số vốn 100-200 triệu đồng đã có thể bắt đầu kinh doanh quán cà phê”, anh Đạt chia sẻ.
Trên trang Facebook của Milano, hiện chi phí nhượng quyền hiện chỉ từ 49 triệu đồng, giảm 50% so với chi phí ban đầu.
Trong vòng 4 năm từ 2014, mạng lưới của Milano đã tăng từ 50 cửa hàng lên hơn 1.000 cửa hàng vào cuối năm 2018, trung bình mỗi năm, Milano thi công 250 quán cho các đối tác. Hiện tại, Milano đã mở 2000 cửa hàng nhượng quyền ở 57 tỉnh thành.
Số lượng cửa hàng tăng thêm theo cấp số nhân cũng là lúc founder phải đối mặt với bài toán đồng bộ về chất lượng. Cụ thể, Milano đã “bật mí” cách để kiểm soát sự đồng nhất là “lạt mềm buộc chặt”.
“Milano đang sở hữu công thức riêng mà chỉ cần một đại lý làm khác đi, họ sẽ không thể tồn tại được”, anh Đạt khẳng định.
Milano không lấy phần trăm doanh số các cửa hàng, mà lấy thu nhập từ việc rang xay, cung cấp cà phê cho các đại lý.
Muôn vàn “gian lao” khi nhượng quyền
Như bao chủ thương hiệu nhượng quyền khác, Milano cũng từng đối diện với không ít tranh chấp, mâu thuẫn với các đại lý nhượng quyền.
Khẳng định việc vi phạm hợp đồng không phải ít, anh Đạt kể lại có những lúc đại lý không tuân thủ cách pha chế mà lại chạy theo lợi nhuận.
“Họ lấy cà phê bên ngoài trộn vào hoặc bán những sản phẩm bên ngoài mà vi phạm hợp đồng của Milano. Bên ngoài có những cửa hàng thấy Milano là thương hiệu quá phổ biến, nên họ đã đặt biển hiệu Milano nhằm thu hút khách vào mặc dù không phải đại lý”.
Để giải quyết, Milano có đội pháp chế riêng thực thi giám sát những trường hợp vi phạm. Có những mức khung tương ứng để đưa ra hướng xử lý, ví dụ nếu có trường hợp ảnh hưởng tới đại lý, Milano sẽ có biện pháp mạnh tay.
Câu chuyện kinh doanh nhượng quyền không phải là bức tranh “màu hồng” với các chuỗi cà phê. Một chuỗi cà phê nhượng quyền khác là Aha Cafe có khá nhiều điểm tương đồng với Milano khi xuất phát điểm của founder là sản xuất sang kinh doanh, đi theo mô hình chuỗi cà phê tầm trung, dân dã.
Tuy nhiên, khi chỉ mới bắt đầu nhượng quyền, thương hiệu này đã gặp một thử thách khá lớn. Vào năm 2017, một nhà đầu tư chiến lược đã trả lại cùng lúc 6 cửa hàng Aha Cafe tại các vị trí đắc địa. Sau đó, cổ đông rút vốn này đã mở thương hiệu cà phê riêng là Kafa với phong cách tương tự.
Sau biến cố, Aha đã phải thắt chặt lại chính sách nhượng quyền. Theo thông tin từ người phụ trách nhượng quyền tại Aha Cafe, tính tới tháng 7/2024, thương hiệu này đã có gần 80 cửa hàng nhượng quyền ở Hà Nội.
Nguồn: Cafebiz.vn