Phải trải qua sai lầm thì những người trẻ này mới biết cách quản lý tài chính thông minh hơn.
“Mình vẫn luôn nghĩ quản lý tài chính cá nhân là một cái gì đó rất cao siêu, và chỉ những người có tiền mới cần phải học. Nhưng cho đến năm thứ 2 đại học, mình gặp phải tình trạng ‘túi tiền khét lẹt’. Thời điểm này mình nhận ra rằng, quản lý tài chính cá nhân là bài toán bạn cần giải càng sớm càng tốt”, Minh Châu (1999, Hải Dương) mở đầu câu chuyện với chúng tôi khi nhớ lại thời điểm tiêu tiền không kiểm soát của cô nàng.
Thời gian gần đây, thật dễ dàng để bạn bắt gặp “ở đâu đó” một vài câu chuyện chia sẻ về cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Mà ở đó, bạn có thể được lắng nghe câu chuyện tiêu tiền sai lầm của họ trong quá khứ. Và dù ít hay nhiều thì trải nghiệm này cũng ảnh hưởng đến tư duy tài chính của những người trẻ trong sau này. Hai bạn trẻ dưới đây là ví dụ.
Tiêu tiền không kiểm soát, mình đã trả giá thế nào?
Minh Châu nhớ lại, thời điểm mới bước chân vào đại học, cô nàng có khoản tiêu xài dư dả hơn so với bạn bè đồng trang lứa, nhờ tiền bố mẹ chu cấp và đi làm thêm từ sớm. Thế nhưng, tất cả số tiền đó đều bị cô nàng tiêu xài một vô cách vô tội vạ, nào là mua sắm đủ thứ linh tinh, ăn uống cùng bạn bè, chi tiêu cho mỹ phẩm, sách báo,..
Và cái giá phải trả cho những lần vung tay quá trán này của Minh Châu là khá đắt. Cô nàng nhớ lại: “Cho đến khi rơi vào hoàn cảnh không còn xu dính túi, mình mới tỉnh ngộ. Lúc có nhiều tiền thì chả bao giờ nghĩ đến việc đi học thứ gì đó, nhưng khi hết tiền lại nảy sinh bao ý tưởng học đàn rồi học vẽ. Thế là mình đã vay tiền để học, và rồi sau đó phải còng lưng mà trả nợ.
Trong lúc đang hết tiền, mình lại dính phải một cơn ốm dai dẳng, nhưng không có tiền mua thuốc chỉ vì nghèo. Những bài học đắt giá này khiến mình trân trọng đồng tiền hơn bao giờ hết. Để giờ đây, mỗi đồng tiền mình kiếm được đều trở nên đáng quý. Và mình tâm niệm rằng, tiêu đồng nào là phải đáng giá đồng ấy.”.
Một trường hợp khác, Bá Duy (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ quan điểm: “Kiếm được tiền đã rất khó khăn rồi. Nhưng việc tiêu tiền làm sao cho hợp lý, thông minh, khiến tiền đẻ ra tiền mới là điều khiến mình thực sự đau đầu”.
Duy cho biết, ngày còn độc thân, anh chàng không biết chi tiêu thế nào là hợp lý. Để rồi sau nhiều năm đi làm, nhìn lại con số tiết kiệm được thì chỉ biết lắc đầu, vì có tích lũy được nhiêu đâu.
Duy tâm sự: “Từ thời điểm làm ra được những khoản thu nhập đầu tiên thì mình hoàn toàn chưa có khái niệm gì về việc quản lý tài chính. Thậm chí đến việc cơ bản nhất đó là gửi tiết kiệm mình cũng chẳng ngó ngàng tới. Cũng dễ hiểu bởi vì lúc đó có suy nghĩ là lương tháng sau khi trừ chi phí ăn ở sinh hoạt thì còn lại chẳng nhiều, cũng không có mục tiêu gì cần đến số tiền lớn. Vậy thôi cứ chi tiêu cho sướng đã rồi mới có động lực làm việc tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn.
Với suy nghĩ như vậy đã tạo cho mình một thói quen chi tiêu khá tuỳ hưng, không có kế hoạch. Mình để toàn bộ số tiền kiếm được vào 1 tài khoản ngân hàng duy nhất. Mà khi tài khoản có nhiều chữ số, bạn sẽ luôn có cảm giác: Mình dư dả mà, chi thêm một chút có sao đâu. Kết quả là sau vài năm đi làm, mặc dù thu nhập có tăng lên nhưng lại chẳng để ra được khoản lớn nào cả”.
Vực dậy bản thân, tiêu tiền thông minh hơn
- “Có sai lầm thì mới khôn ra” – đó là nhận định chung của hai đứa trẻ sau những pha tiêu tiền thiếu kiểm soát trong quá khứ, để từ đó biết cách vun vén và quản lý tài chính thông minh hơn.
Về phía Minh Châu, cô nàng đã học thêm về quản lý tài chính cá nhân, ngừng các thói quen mua sắm theo cảm xúc để dần dần tích luỹ được nhiều hơn tiền lương vào quỹ tiết kiệm. Dưới đây là 4 mẹo cụ thể trong cách quản lý tài chính của cô nàng:
– Thứ nhất, hạn chế ăn ngoài, ăn vặt, ăn hàng quán,… mà thay vào đó là ăn ở nhà nhiều hơn.
– Thứ hai, đừng săn sale, đừng mua quần áo hay những thứ mình không cần. Minh Châu chia sẻ: “Tâm lý chung của chúng ta đó là thấy rẻ thì ham nhưng thật ra giảm giá chỉ là một hình thức marketing của những nhà quảng cáo. Bạn nghĩ mình đang mua được một món hời ư? Tất cả chỉ là một cú lừa thôi!”
– Thứ ba, thay vì mua những đồ rẻ tiền, hãy tích cóp để mua những đồ dùng xịn và chất lượng. Nếu xem xét kỹ lại thì mua đồ đểu dùng vừa ức chế, nhanh hỏng mà còn tốn tiền hơn.
– Thứ năm, đầu tư tiền vào trải nghiệm (đi du lịch) hoặc các khóa học (kỹ năng, tiếng anh, nấu ăn,…) chắc chắn bạn sẽ có lãi.
Trong khi đó, Bá Duy chia sẻ đã có một sự kiện lớn xảy ra khiến anh chàng phải thay đổi toàn bộ cách quản lý tài chính sau này, đó là kết hôn. Bởi lúc này, anh không chỉ cần quản lý nguồn thu nhập gia tăng khi kết hợp lương 2 vợ chồng, tiền mừng cưới mà phải lo toan nhiều chi tiêu cho hiện tại, kế hoạch cho tương lai. Mọi thứ liên quan tiền nong đã bắt đầu phức tạp, không hề đơn giản như khi Duy còn độc thân.
Dưới đây là cách Duy đã cùng vợ quản lý tài chính cho gia đình:
– Thành lập 1 quỹ chung của gia đình, mỗi người khi có các khoản thu nhập sẽ cùng đóng góp một mức đã thỏa thuận hợp lý từ trước. Quỹ này sử dụng để chi tiêu các khoản chung của gia đình: Ăn uống sinh hoạt, mua sắm đồ đạc gia đình đến biếu tặng, hội họp.
– Mọi khoản thu chi từ quỹ chung đều phải ghi chép đầy đủ để đảm bảo minh bạch.
– Đã có quỹ chung thì phải có quỹ riêng. Mỗi người tự giác thông báo mức thu nhập tháng này của mình bao nhiêu và giữ lại bao nhiêu cho quỹ riêng của bản thân. Quỹ riêng của ai thì người đó toàn quyền quyết định chi tiêu.
Chẳng hạn khi vợ bảo mua đồ này, món kia thì cứ tự lấy quỹ riêng ra mà mua, không cần hỏi chồng. Tương tự nếu Duy thích món này món kia hay đi cafe, tụ tập với bạn bè là tự chi được không cần ngửa tay xin tiền vợ.
– Khi có khoản thu mới vào quỹ chung đủ lớn, sẽ cả 2 vợ chồng sẽ bàn bạc thống nhất phân chia ngay thành các khoản như: Thiết yếu – Bảo hiểm – Giáo dục – Hưởng thụ – Đầu tư – Từ thiện.
Cách chia theo nguyên tắc khoản nào phụ chi trước, theo thứ tự là: Từ thiện – Hưởng thụ – Bảo hiểm – Giáo dục – Đầu tư – Thiết yếu. Tỷ lệ phân chia sẽ phụ thuộc vào từng thời điểm cho thật phù hợp.
Từ kinh nghiệm bản thân, Duy đưa ra lời khuyên bới những người trẻ muốn tìm hiểu về quản lý tài chính: “Các bạn trẻ chưa kết hôn thì có trong tay một loại tài nguyên vô cùng quý giá đó là THỜI GIAN. Nếu ở độ tuổi còn trẻ, các bạn bắt đầu nhận thức thức và tạo được thói quen tốt về việc quản lý tài chính, chi tiêu hợp lý thì cùng với thời gian sẽ mang lại cho các bạn một khoản tiền không ngờ tới đó”.
Nguồn: Cafebiz.vn