24 năm sàn chứng khoán “khớp lệnh”: 49 doanh nghiệp tỷ USD, hàng trăm công ty vốn hóa hơn 10.000 tỷ đồng

Hiện tại, sau 24 năm, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đã lên đến 6,9 triệu tỷ đồng tương đương 67% GDP.

Ngày 29/7, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.246,60 điểm, so với mốc chỉ 100 điểm của 24 năm trước khi thị trường có phiên giao dịch đầu tiên. Con số quanh 1.200 điểm không phải là điều gì mới với VN-Index, thị trường đã từng chứng kiến con số này vào giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán năm 2006 – 2007.

Cùng là mốc quanh 1.200 điểm nhưng ở giai đoạn năm 2007, vốn hóa thị trường chỉ khoảng 500.000 tỷ đồng. Ở năm 2024 hiện tại, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đã lên đến 6,9 triệu tỷ đồng tương đương 67% GDP. Trong đó, có đến 49 doanh nghiệp tỷ USD cùng hàng trăm cái tên có vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng.

Hơn 2 thập kỷ, có thể nói thị trường chứng khoán đã và đang đóng vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Giá trị giao dịch cũng ngày 1 sôi động. Hiện thị trường đã có khoảng 8 triệu tài khoản chứng khoán. Với thanh khoản lên mức cao, có thời điểm đạt hơn 2 tỷ USD trong một phiên. 

Với những người mới đầu tư, có lẽ sẽ không cảm nhận được quá rõ ràng ý nghĩa của những con số mà thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được. Chỉ có những người đã gắn bó lâu năm với thị trường mới hiểu, kết quả hiện nay là điều mà trước đây họ chưa từng tưởng tượng.

Ông Đào Thanh Tùng – Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam cho hay: “Ngày xưa mỗi khi chúng tôi về thị trường chứng khoán thì chúng tôi thường phải đến các sàn giao dịch, gần như phải theo dõi trọn vẹn phiên giao dịch đấy mới có thể làm được tin. Sự phát triển của công nghệ, nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin dễ dàng hơn qua Internet, các kênh thông tin khác”.

“Cái thời kỳ còn viết phiếu lệnh bằng tay của nhân viên công ty chứng khoán, có những người có khi viết phiếu đứng phải chờ hàng tiếng đồng hồ, nhân viên vẫn chưa xử lý được lệnh đấy. Sau mấy chục năm phát triển của thị trường chứng khoán, 1 mã cổ phiếu hoặc 1.000; 10.000 mã cổ phiếu này được giao dịch chỉ trong chớp mắt, chỉ trọng một cái nhấp chuột”, ông Nguyễn Duy Khoa, đầu tư chứng khoán từ năm 2000 chia sẻ.

Từ vỏn vẹn 2 mã cổ phiếu, thị trường giờ đã có hơn 1.500 mã chứng khoán và chứng chỉ quỹ. Không chỉ nhà đầu tư, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự lạc quan về tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Thoắt qua 1 cái nghe có vẻ nhanh nhưng 24 năm mới là chập chững của thị trường chứng khoán non trẻ. Sau những cải tổ quyết liệt của Ủy ban Chứng khoán từ 2022 đến nay, tôi mong mỏi sắp tới thị trường sẽ minh bạch hơn, nhiều doanh nghiệp chất lượng hơn được niêm yết mới để cung cấp thêm hàng hóa chất lượng cho nhà đầu tư trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, CTCP Chứng khoán KBSV thông tin.

Trải qua nhiều thay đổi, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng phổ biến và dễ tiếp cận hơn. Để rồi ngọn lửa đam mê sẽ được truyền tải từ thế hệ nhà đầu tư này qua thế hệ khác, mang đến ngày càng nhiều thêm những làn gió mới.

Gỡ nút thắt phát triển thị trường

24 năm sàn chứng khoán “khớp lệnh”: 49 doanh nghiệp tỷ USD, hàng trăm công ty vốn hóa hơn 10.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Gỡ nút thắt về nâng hạng, tăng nguồn cung hàng hóa trên thị trường đang là những yếu tố tiên quyết để tăng cường tính bền vững của dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Thị trường sau 24 năm cũng được ghi nhận về tính minh bạch ngày một được nâng cao, nhiều đối tượng vi phạm, thao túng, trục lợi trên thị trường chứng khoán đều đã bị đưa ra xét xử 1 cách nghiêm minh để đưa chứng khoán Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định và bền vững hơn.

Dù đang liên tục được xây dựng, cải thiện và tân trang nhưng tính hấp dẫn nhà đầu tư của thị trường, đặc biệt là với nhà đầu tư ngoại đang cần được xem xét. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng gần 160.000 tỷ trên sàn HoSE. Con số này đẩy giá trị mua ròng luỹ kế của khối ngoại từ khi chứng khoán Việt Nam hoạt động năm 2000 đến nay chỉ còn khoảng 6.700 tỷ đồng.

Gỡ nút thắt về nâng hạng, tăng nguồn cung hàng hóa trên thị trường đang là những yếu tố tiên quyết để tăng cường tính bền vững của dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

“Tôi gặp các nhà đầu tư ở nước ngoài, họ nhìn Việt Nam như là thị trường mới nổi rồi, 100 triệu dân, năng động, chủ động, ổn định, phát triển, họ rất thích cái đó. Nhìn vào danh sách các thị trường chứng khoán mới nổi lại không có tên Việt Nam, họ hơi thất vọng bởi vì họ muốn đầu tư vào Việt Nam”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital chi sẻ.

Ông Vũ Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho hay: “Giải pháp được đưa ra để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo hướng các nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền vào Việt Nam vào thời điểm thanh toán. Các tổ chức đánh giá thị trường Việt Nam có nhiều sự tiến triển và có kỳ vọng trong việc đưa ra những giải pháp khả thi để hướng tới nâng hạng thị trường”.

“Chúng ta làm sao phải tối ưu hóa được vấn đề nâng hạng đấy, nó không phải vấn đề về hình ảnh mà nó là dòng vốn thực sự vào Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy cho biết.

Những năm gần đây có thể thấy Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan quản lý đang rất nỗ lực tăng cường các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ thị trường. Từ phái sinh, chứng quyền, ETF, hay từ năm 2022 chu kỳ giao dịch chứng khoán chính thức được rút ngắn từ T+3 xuống còn T+2 góp phần làm gia tăng sự linh hoạt trong đầu tư chứng khoán. 

Hay tới đây nút thắt nâng hạng dự kiến sẽ sớm được tháo gỡ với dự thảo sửa đổi quy định về giao dịch ký quỹ cho nhà đầu tư ngoại đang được lấy ý kiến. 24 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên, nhiều điểm được và có những điểm chưa được. Nhưng đó cũng là động lực để thị trường chứng khoán tiếp tục bước những bước chắc chắn vào một giai đoạn phát triển mới.

Nguồn: Cafebiz.vn