5 phương án để kết nối giao thông 2 sân bay lớn nhất Việt Nam

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến của một số cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan về báo cáo tổng thể kết nối giao thông giữa sân Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành do Viện Chiến lược và phát triển GTVT thực hiện.

5 phương án để kết nối giao thông 2 sân bay lớn nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, kết nối giao thông giữa hai sân bay là rất cần thiết, vì có thể hỗ trợ khai thác lẫn nhau, đồng thời đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng không, không chỉ tại Tp.HCM mà cả khu vực phía Nam.

Với tầm quan trọng này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến của một số cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan về báo cáo tổng thể kết nối giao thông giữa 2 sân bay, do Viện Chiến lược và phát triển GTVT thực hiện.

Sân bay Tân Sơn Nhất đạt cấp sân bay 4E (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO), có diện tích hơn 545 hécta với 2 nhà ga hành khách. Bộ GTVT đang đầu tư xây dựng nhà ga T3, dự kiến quý 3/2024 đưa vào khai thác. Tầm nhìn đến năm 2050, Sân bay Tân Sơn Nhất đạt cấp 4E, công suất thiết kế dự kiến đạt 50 triệu hành khách/năm.

Trong khi đó, theo quy hoạch, Sân bay Long Thành là sân bay cấp 4F, có chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á với công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

5 phương án để kết nối giao thông 2 sân bay lớn nhất Việt Nam- Ảnh 2.

Với vị thế là những sân bay lớn nhất cả nước, việc kết nối giao thông giữa 2 sân bay sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, hiện việc kết nối giữa 2 sân bay chỉ bằng các tuyến đường bộ và các tuyến giao thông này còn hạn chế. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc đã xảy ra thường xuyên trên các tuyến quốc lộ 51, đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Theo đó, việc nghiên cứu phương án tổng thể kết nối giao thông giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành đóng vai trò quan trọng và là một phần của nhiệm vụ nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực Sân bay Long Thành với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong báo cáo tổng thể kết nối giao thông giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành, Viện Chiến lược và phát triển GTVT đã trình bày 5 phương án kết nối tổng thể đang được nghiên cứu, trong đó có 2 phương án kết nối bằng đường bộ và 3 phương án kết nối bằng đường sắt.

Đối với đường bộ, phương án 1 được nghiên cứu là kết nối đường bộ đi trên mặt đất và đi ngầm đoạn từ nút giao đường Cộng Hòa đến hết đường Phạm Văn Đồng. Từ đường Phạm Văn Đồng có 3 hướng kết nối về Sân bay Long Thành thông qua đường cao tốc Tp.HCM- Long Thành – Dầu Giây, cầu Cát Lái để kết nối với 2 tuyến giao thông (T1, T2) vào Sân bay Long Thành. Với 3 hướng này, chiều dài tuyến từ 48-62km.

Phương án 2, kết nối đường bộ giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành đi theo các tuyến đường đô thị. Phương án này có 3 hướng kết nối với chiều dài tuyến từ 43-53km.

5 phương án để kết nối giao thông 2 sân bay lớn nhất Việt Nam- Ảnh 3.

Bất động sản cận kề sân bay Long Thành đang chộn rộn ăn theo những thông tin tích cực từ siêu dự án này. Ảnh: HV

Với đường sắt, 3 phương án được nghiên cứu. Phương án 1, kết nối bằng đường sắt qua tuyến đường sắt đô thị số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành với hướng tuyến từ nút giao đường Cộng Hòa – nhà ga T3 – nhà ga T1, T2 – đường Hồng Hà – đường Phạm Văn Đồng – đường sắt quốc gia – đường vành đai 2 – Võ Chí Công kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành đến Sân bay Long Thành (chiều dài khoảng 45km).

Phương án 2, kết nối bằng đường sắt theo tuyến đường sắt đô thị số 2 từ đường Trường Chinh – đường Cách Mạng Tháng Tám – đường Phạm Hồng Thái – đường Lê Lai – Bến Thành – Thủ Thiêm kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành đến Sân bay Long Thành (chiều dài khoảng 43km).

Trong khi đó, phương án 3 sẽ kết nối bằng đường sắt theo hướng tuyến đường sắt đô thị số 4 từ nhà ga T1, T2 Sân bay Tân Sơn Nhất – đường Trường Sơn – đường Hoàng Văn Thụ – đường Phan Đình Phùng – đường Hai Bà Trưng – Bến Thành kết nối vào tuyến đường sắt đô thị số 2 đến Thủ Thiêm kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành đến Sân bay Long Thành (chiều dài khoảng 42km).

Trước đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành, bao gồm đầu tư đường sắt kết nối (trên cao hoặc đi ngầm).

Sân bay quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia với mục tiêu trở thành sân bay hiện đại bậc nhất khu vực Nam Bộ và được nhiều người quan tâm tra cứu quy hoạch. Dự án có vị trí nằm gần quốc lộ 51 và kết nối với các tuyến cao tốc quan trọng của khu vực Nam Bộ như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Phan Thiết.

5 phương án để kết nối giao thông 2 sân bay lớn nhất Việt Nam- Ảnh 4.

Nhà đầu tư vào đón đầu hạ tầng. Ảnh:HV

Hiện nay, các hạng mục công trình quan trọng của Sân bay Long Thành giai đoạn 1 thuộc dự án thành phần 2 và dự án thành phần 3 do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư đang thi công đạt và vượt tiến độ theo hợp đồng. Tuy nhiên, một số công trình thuộc dự án thành phần 1 và dự án thành phần 4 đang triển khai chậm.

Thời gian vừa qua, cùng với tiến độ sân bay liên tục được cập nhật, thị trường bất động sản cận kề sân bay cũng chộn rộn ăn theo. Một số dự án căn hộ, đất nền, nhà phố đang đẩy mạnh hoạt động khởi công, khai trương căn hộ mẫu, kick off… để tận dụng thời điểm “về đích” của dự án sân bay. Sức cầu tăng nhịp ở các nhà đầu tư mua bất động sản “đón đầu” sân bay. Tại một số dự án căn hộ, nhu cầu mua để cho thuê, bán lại nhằm đón nhu cầu của lực lượng chuyên gia, kỹ sư hay tiếp viên hàng không trong tương lai được ghi nhận khá tốt.

Nguồn: Cafebiz.vn