Quý II/2024, bộ ba ông lớn quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV đều ghi nhận quy mô nợ xấu (nợ nhóm 3-5) gia tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tại Vietcombank, tính đến hết 30/6, số dư nợ xấu nội bảng của ngân hàng này ở mức 16.446 tỷ đồng, tăng 32% so với cuối năm 2023. So với hai ông lớn quốc doanh khác là BIDV hay VietinBank, Vietcombank là nhà băng có tốc độ tăng trưởng nợ xấu cao nhất trong quý vừa qua. Tuy nhiên, nếu xét trên tổng nợ xấu, con số 16.446 tỷ đồng vẫn thấp hơn đáng kể so với dư nợ nhóm 3-5 của VietinBank hay BIDV.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của Vietcombank chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nợ xấu với 10.017 tỷ đồng, tăng gần 28%. Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4) cũng tăng lần lượt 75% và 17,4%.
Điều này khiến nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đã tăng từ 0,98% vào cuối năm 2023 lên 1,2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm từ 230% xuống 212%.
Nhà băng có tốc độ tăng trưởng nợ xấu cao thứ hai trong nhóm quốc doanh là BIDV. Tính đến 30/6, tổng nợ xấu của nhà băng này đạt 28.687 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Xét về tổng nợ xấu, BIDV là nhà băng có nợ xấu lớn nhất trong Big 3, tính đến hết 30/6. Điều này cũng khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay cũng tăng từ 1,26% đầu năm lên mức 1,52%.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nợ xấu của ngân hàng, đạt hơn 15.292 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm. Còn nợ nhóm 3 tại BIDV cũng tăng 86% so thời điểm cuối năm 2023, đạt 7.113 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo của Công ty chứng khoán MB (MBS) đánh giá, nợ xáu của BIDV đang tăng trở lại so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, xét chung toàn ngành, chất lượng tài sản của BIDV vẫn đang nằm trong top đầu. Tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với trung bình toàn ngành.
“Với bộ đệm dự phòng vững chắc, chất lượng tài sản của BIDV có thể cải thiện hơn trong những quý còn lại 2024, khi tín dụng tăng trở lại và kinh tế phục hồi”, báo cáo của MBS viết.
Còn theo Báo cáo tài chính hợp nhất của VietinBank, tính tới cuối quý II/2024, tổng nợ xấu (nợ nhóm 3-5) ở mức hơn 24.640 tỷ đồng. Con số này tăng hơn 20% so với thời điểm kết thúc quý I.
Trong đó, riêng nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4, quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày) của nhà băng này lên hơn gấp ba sau ba tháng, trên 13.450 tỷ, so với quy mô hơn 4.721 tỷ đồng cuối quý I.
Điểm tích cực là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm trong hai quý liên tiếp từ đầu năm. Tính tới thời điểm 30/6, nợ nhóm 5 của VietinBank ghi nhận hơn 7.845 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cuối năm trước.
Trong báo cáo đầu tháng 6, theo bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá nợ xấu mới hình thành của VietinBank trong đầu năm nay đến từ ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, sắt thép, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng.
Còn nhóm phân tích Công ty chứng khoán MB (MBS) lại cho rằng, áp lực gia tăng nợ xấu với VietinBank vẫn còn lớn, khi tỷ lệ nợ xấu tương đương mức đỉnh cuối quý III năm trước. Trong đó, chất lượng tài sản nhóm bán lẻ, theo MBS, là nguyên nhân chính khiến nợ xấu gia tăng.
Nguồn: Cafebiz.vn