Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngày 26/7, Bộ Công thương đã quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024. Thời kỳ điều tra để xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2023.
Bên yêu cầu cũng đã cung cấp được các cơ sở hợp lý để chứng minh hành vi bán phá giá của hàng hóa được đề nghị điều tra cũng như đã cung cấp dữ liệu để xác định biên độ bán phá giá của hàng hóa bị đề nghị điều tra từ Ấn Độ ở mức 22,27% và Trung Quốc ở mức 27,83%.
Sau quyết định này, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục tham vấn thông tin và thực hiện điều tra theo quy định. Cũng kể từ khi có quyết định điều tra có hiệu lực tới khi kết thúc quá trình điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Cơ quan điều tra có thể thực hiện chế độ yêu cầu khai báo nhập khẩu với hàng hóa bị điều tra để phục vụ công tác điều tra.
Vẫn theo thông báo của Cục Phòng vệ thương mại, ngày 19/3, cơ quan này nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc từ 2 doanh nghiệp đại diện ngành sản xuất trong nước là CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất và công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa.
Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu, Cơ quan điều tra đã tiến hành thẩm định và có các công văn yêu cầu bổ sung, làm rõ thông tin, nội dung về phạm vi sản phẩm, căn cứ xác định hành vi bán phá giá cũng như dấu hiệu gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Tới ngày 31/5/2024, Cơ quan điều tra đã tiến hành thẩm định và có các công văn yêu cầu bổ sung, làm rõ thông tin liên quan và sau đó đã có xác nhận Hồ sơ yêu cầu đã đầy đủ và hợp lệ. Cơ quan điều tra cũng đã có thư gửi cho Đại sứ quán Ấn Độ và Trung Quốc tại Việt Nam thông báo về việc nhận được đầy đủ Hồ sơ yêu cầu và hợp lệ.
Cơ quan điều tra cũng xác định rằng bên yêu cầu biện pháp chống bán phá giá đáp ứng yêu cầu về tính đại diện cho ngành sản xuất trong nước và có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân gây thiệt hại đáng kể với ngành sản xuất trong nước.
Theo thống kê của hải quan, tính riêng tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép HRC, bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.
Kim ngạch nhập khẩu thép HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Đáng chú ý, sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45 – 108 USD/tấn.
Nguồn: Cafebiz.vn