Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, hiện nay lừa đảo qua mạng được xem là một nghề mang lại lợi nhuận cao, được các đối tượng cấu kết, tổ chức với quy mô lớn.
Sáng 4/7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tại sự kiện, Trung tá Triệu Mạnh Hùng chỉ ra một số đặc điểm của tội phạm công nghệ cao và các thủ đoạn lừa đảo thường được đối tượng sử dụng hiện nay.
Theo ông Hùng, tội phạm lừa đảo qua mạng không phải vấn đề riêng của Việt Nam, mà còn của nhiều nước trên thế giới. Lợi dụng tính ẩn danh trên không gian mạng, nhiều đối tượng đã đóng vai cán bộ công an, cán bộ thuế, người thân… để tìm cách chiếm đoạt tiền của người bị hại.
Mặt khác, tội phạm hiện nay được xem như một nghề kiếm sống, mang lại lợi nhuận cao. Các tổ chức tội phạm công nghệ cao hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, có sự cấu kết quy mô lớn.
Dẫn chứng về mô hình của tội phạm, ông Hùng cho biết, năm 2023, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Công an Quảng Bình phát hiện đường dây lừa đảo trên mạng với 300 đối tượng. Những đối tượng này học việc 2-3 tháng, làm việc trong văn phòng, có căng-tin nghỉ ngơi ăn trưa.
Thủ đoạn lừa đảo của tội phạm hiện nay cũng chuyên nghiệp hơn. Tội phạm công nghệ cao còn phân ra thành những nhóm nhỏ để để hoạt động “chuyên môn hoá”. Có những người chuyên nghiên cứu kịch bản, chuyên thực hiện hành vi lừa đảo hay xử lý dòng tiền.
“Có những nhóm chuyên nghiên cứu về kịch bản nên kịch bản lừa đảo được thay đổi từng ngày: định danh điện tử, sinh trắc học. Những nhóm thực hiện hành vi lừa đảo được học việc 2-3 tháng, học từng câu trả lời. Nên khi giả danh là công an, thuật ngữ chuyên ngành mà các đối tượng sử dụng gần như chính xác”, ông Hùng thông tin.
Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách mở cửa của nước ta, hiện nhiều nhóm tội phạm có xu hướng dịch chuyển dòng tiền ra nước ngoài, gây khó khăn cho quá trình điều tra.
Sau khi liệt kê các đặc điểm của tội phạm mạng, ông Hùng cũng chỉ ra bốn phương thức lừa đảo phổ biến được các đối tượng này sử dụng.
Đầu tiên là hình thức mạo dang cơ quan tổ chức có uy tín như tòa án, cơ quan công an, thuê, người thân… chiếm 50% thủ đoạn lừa đảo.
Thứ hai là mời gọi đầu tư vào các mô hình “việc nhẹ lương cao”, sàn vàng, sàn chứng khoán để đánh vào lòng tham của con người.
“Những đối tượng này cho con mồi giao dịch vào hôm, tiền trong tài khoản tăng lên nhưng không rút ra được. Muốn rút được tiền, người chơi phải nộp thêm tiền. Cứ luẩn quẩn như vậy, có vụ có người mất 20-30 tỷ đồng”, ông Tùng nói.
Thứ ba là các thủ đoạn liên quan đến quan hệ cá nhân, lợi dụng tình cảm làm quen, tặng quà sau đó bắt chuyển tiền để đóng phí hải quan.
Cuối cùng, một số đối tượng lừa cài ứng dụng chứa mã độc để chiếm quyền sử dụng tài khoản.
Ngoài Trung tá Triệu Mạnh Hùng, tại hội thảo, Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng thông tin về việc thực hiện Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước. Tới cuối ngày 3/7, khoảng 16,6 triệu tài khoản ngân hàng đã xác thực sinh trắc học, trong đó 90% khách hàng tự thực hiện. Lượng tài khoản được làm sạch dữ liệu tương đương số mở mới trong một năm.
Nguồn: Cafebiz.vn