Nợ phải trả của doanh nghiệp gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu, chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (mã VPG) công bố BCTC quý 2/2024, trong đó doanh thu thuần tăng mạnh 85% so với cùng kỳ lên 3.289 tỷ. Con số này cũng nhích nhẹ so với quý 1 liền trước, qua đó xác lập đỉnh doanh thu trong 1 quý mà VPG đạt được trong lịch sử hoạt động.
Nguồn thu của VPG chủ yếu đến từ than nhiệt với 2.391 tỷ, gấp gần 3 lần quý 2/2023. Bên cạnh đó, doanh thu từ than cốc đạt 552 tỷ và doanh thu quặng sắt đạt 306 tỷ, lần lượt giảm 4% và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn chiếm tỷ trọng lớn khiến biên lãi gộp thu hẹp từ 6% trong quý 2 năm ngoái xuống 5% trong kỳ này, tương đương lãi gộp đạt 177 tỷ.
Doanh thu tài chính tăng 61% lên 39 tỷ, tuy nhiên chi phí tài chính gấp đôi cùng kỳ lên 97 tỷ, trong đó hơn 55 tỷ là lỗ tỷ giá, còn lại 42 tỷ là trả lãi tiền vay. Các chi phí bán hàng và chi phí QLDN đồng loạt tăng “bằng lần” trong với cùng kỳ.
Khấu trừ các chi phí khác, VPG lãi sau thuế hơn 2 tỷ đồng trong quý 2/2024, giảm hơn 91% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận giảm sâu do lãi gộp mảng than nhiệt giảm hơn 20%, bên cạnh đó chi phí tài chính tăng mạnh do sản lượng mảng tham nhiệt dẫn tới việc cần huy động nhiều vốn. Các chi phí bán hàng và QLDN cũng tăng mạnh khiến lợi nhuận bị bào mòn đáng kể.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của VPG tăng 83% so với cùng kỳ năm trước lên 6.533 tỷ. LNST giảm 94% xuống còn vỏn vẹn 4 tỷ đồng.
Năm nay, VPG lên kế hoạch doanh thu thuần 10.500 tỷ và LNST 150 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 62% mục tiêu doanh thu nhưng chỉ đạt chưa tới 3% mục tiêu lợi nhuận.
Theo tìm hiểu, Việt Pháp được thành lập vào năm 2008 với khởi đầu từ một công ty dịch vụ vận tải chuyên vận tải nội địa. Hiện, hoạt động chính của Việt Phát là kinh doanh, xuất nhập khẩu và cung cấp quặng sắt và than cho các nhà máy thép và nhà máy nhiệt điện, cùng với một số dịch vụ như vận tải, kho bãi,… Đây là nhà cung cấp nguyên liệu hàng đầu của nhiều nhà máy thép lớn như Hòa Phát, Gang thép Thái Nguyên, DONGBU, SAMINA,… và là đối tác cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN và PVN. Trong năm 2023, VPG đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh than nhiệt khi tiếp tục trúng thầu tại Nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Công ty cũng đã mở rộng thị trường nhập khẩu than cốc, quặng sang Nhật Bản, Thụy Sỹ, Singapore với một số đối tác như: Công ty Daichu Corporation, Công ty Glencore International AG, Công ty Noble Resources International PTE LTD…
Ngoài ra, công ty cũng hoạt động trong lĩnh vực BĐS và sở hữu nhiều khu đất vàng. Việt Phát đang là chủ đầu tư 5 dự án “vàng” tại thành phố Hải Phòng và Hà Nội như khu nhà ở thương mại tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân (tên thương mại là Việt Phát South City); dự án Bắc Sông Cấm; dự án Cảng thủy nội địa Việt Phát; toà nhà số 2 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội…
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản công ty đạt 7.256 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 526 tỷ, giảm 66% so với đầu năm. Hàng tồn kho đạt 3.586 tỷ, tăng 20% so với đầu năm: khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng đạt 1.169 tỷ, gấp hơn 3 lần đầu năm.
Nợ phải trả ở mức 5.760 tỷ đồng, chủ yếu đến từ nợ ngắn hạn 5.476 tỷ đồng, tăng gần 650 tỷ so với đầu quý 2. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 1.497 tỷ đồng, tương đương chỉ số nợ/vốn chủ sở hữu của VPG lên tới hơn 3,8 lần (Chỉ số này > 1 có nghĩa tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là các khoản nợ vay vốn bên ngoài tài trợ). Theo thuyết minh, VPG có hơn 750 tỷ phải trả người bán; vay nợ ngắn hạn gần 1.950 tỷ và vay nợ dài hạn hơn 285 tỷ.
Về cơ cấu cổ đông của VPG, tính tới 30/6/2024, Chủ tịch HĐQT VPG Nguyễn Văn Bình đang nắm 21,7 triệu cổ phiếu VPG, tương ứng tỷ lệ 25,8% vốn. Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Thanh Lệ sở hữu 3,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,3% vốn). Ngoài ra Thành viên HĐQT kiêm TGĐ Nguyễn Văn Đức nắm giữ hơn 2,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,2% vốn).
Cổ phiếu VPG trên thị trường hiện đạt mức 12.300 đồng/cp, giảm khoảng 24% so với đầu năm 2024.
Nguồn: Cafebiz.vn