‘Game tăng vốn’ của giới buôn tiền: Thứ hạng trong top 10 nhà băng có vốn điều lệ liên tục xáo trộn, Techcombank soán ngôi Á quân từ tay một ‘Big 4’

Nửa đầu năm 2024, các ngân hàng nhóm quốc doanh lẫn thương mại cổ phần “đua” tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức, phát hành cổ phiếu mới, ESOP… nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng sức cạnh tranh.

'Game tăng vốn' của giới buôn tiền: Thứ hạng trong top 10 nhà băng có vốn điều lệ liên tục xáo trộn, Techcombank soán ngôi top 2 từ tay một 'Big4'- Ảnh 1.

Mới đây nhất, Techcombank đã phát hành thêm 3,54 tỷ cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, nâng vốn điều lệ lên mức 70.450 tỷ đồng, cao thứ hai toàn hệ thống, chỉ sau VPBank.

Ngoài chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, ngân hàng này đang lấy ý kiến cổ đông về chương trình phát hành cổ phiếu ESOP trong năm 2024. Nếu kế hoạch phát hành ESOP được thông qua, vốn điều lệ của Techcombank sẽ sớm vượt qua cột mốc 70.450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quy mô tăng vốn từ phát hành ESOP nhiều khả năng sẽ không quá lớn. Trước đó, trong giai đoạn 2018-2023, nhà băng này cũng luôn duy trì chương trình phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động.

Trên đường đua tăng vốn, Techcombank không cô độc. MB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỷ đồng trong năm 2024. Trong đó, ngân hàng này tăng vốn thêm 7.959 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, MB sẽ tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng.

Lãnh đạo MB cho biết, số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được Ngân hàng sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực, bổ sung vốn kinh doanh trên nguyên tắc an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cho cổ đông.

Hồi đầu tháng 6, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng công bố báo cáo kết quả đợt hành cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, nhà băng sẽ phát hành thêm 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15% cho hơn 68.523 cổ đông. Sau phát hành, số cổ phiếu lưu hành của ACB tăng từ 3,88 tỷ cổ phiếu lên 4,46 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 44.667 tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã thông qua phương án chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ đồng lên 33.576 tỷ đồng với giá chào bán tối thiểu là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, các Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank)… cũng đặt mục tiêu tăng vốn.

Trong đó, SeABank tăng vốn điều lệ từ 24.957 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng; VIB tăng vốn điều lệ từ 25.368 tỷ đồng lên 29.791 tỷ đồng; OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng…

'Game tăng vốn' của giới buôn tiền: Thứ hạng trong top 10 nhà băng có vốn điều lệ liên tục xáo trộn, Techcombank soán ngôi top 2 từ tay một 'Big4'- Ảnh 2.

Với nhóm ngân hàng quốc doanh, đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã trình cổ đông phương án tăng vốn.

Ngân hàng vừa bị Techcombank soán ngôi top 2 hệ thống về vốn điều lệ BIDV trước đó cũng thông qua phương án tăng vốn tại Đại hội cổ đông. Năm nay, BIDV đề xuất phát hành tổng cộng hơn 1,36 tỷ cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng thông qua hai phương án trả cổ tức và chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Tại Đại hội cổ đông hồi đầu tháng 5/2024, ông Đỗ Việt Hùng – Thành viên HĐQT phụ trách hoạt động của HĐQT Vietcombank cho biết, ngân hàng tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng 27.700 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng dự kiến dùng toàn bộ gần 14.000 tỷ đồng lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2023 và sau khi trích lập các quỹ để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước.

Trong năm 2023, VietinBank đã phát hành hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 11,7415% từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Vốn điều lệ của VietinBank đã tăng từ 48.057 tỷ đồng lên gần 53.700 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng xuất phát từ việc gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, nguồn vốn cùng khả năng đầu tư vào công nghệ, kỹ thuật… đặc biệt cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).

Nguồn: Cafebiz.vn