Giới hạn giao dịch BĐS tối đa 10 lần có hạn chế được đầu cơ, lướt sóng?

Đánh giá từ giới chuyên gia việc Nghị định số 96/2024 quy định rõ các tiêu chí kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ, giúp thị trường minh bạch hơn, không còn tình trạng bong bóng bất động sản, góp phần làm hạn chế tình trạng đầu cơ, lướt sóng mua đi bán lại sản phẩm nhà đất nhiều lần.

Hạn chế việc đầu cơ mua đi bán lại bất động sản

Theo quy định mới, cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không thuộc trường hợp phải lập dự án đầu tư; số lần giao dịch bị giới hạn dưới 10 lần trong một năm và mỗi hợp đồng không quá 300 tỷ đồng.

Giới hạn giao dịch BĐS tối đa 10 lần có hạn chế được đầu cơ, lướt sóng?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Quê, Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ảnh: Đ.H

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định, tổ chức cá nhân kinh doanh bất động sản, thì phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Tuy nhiên, người kinh doanh bất động sản với quy mô nhỏ thì không cần lập doanh nghiệp, nhưng phải kê khai nộp thuế. Tương tự, đối với các tổ chức bán, cho thuê nhà, công trình xây dựng hay một phần diện tích sàn xây dựng không nhằm để kinh doanh, cũng bị giới hạn số lần mua bán và cũng phải kê khai nộp thuế.

Như vậy Nghị định 96 đã quy định cụ thể điều kiện để cá nhân kinh doanh nhà đất có quy mô nhỏ điều này nhằm hạn chế việc đầu cơ mua đi bán lại bất động sản. Trên thực tế quy định rõ các tiêu chí kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ giúp cho thị trường minh bạch hơn, góp phần làm hạn chế tình trạng đầu cơ lướt sóng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Quê, Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, những giao dịch bất động sản hướng đến lợi nhuận sẽ được tính vào dưới 10 giao dịch trong 1 năm: “Theo Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản quy định, những loại bất động sản mà kinh doanh với mục đích hướng đến lợi nhuận, ví dụ, bán, cho thuê, cho thuê lại góp vốn hoặc ủy quyền toàn phần có tính phí, sẽ được tính trong 10 giao dịch bất động sản trong 1 năm. Còn đối với những giao dịch không vì mục đích lợi nhuận, chẳng hạn như, cho tặng, hiến tặng, rồi ủy quyền không tính phí, ủy quyền toàn phần không tính phí, thì sẽ không bị tính vào 10 giao dịch trong 1 năm”.

Hạn chế xuất hiện những giao dịch không có thật

Giới hạn giao dịch BĐS tối đa 10 lần có hạn chế được đầu cơ, lướt sóng?- Ảnh 2.

Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm, Công ty luật ThinkSmart, Đoàn luật sư TP Hà Nội. Ảnh: Đ.H.

Về vấn đề này chia sẻ với Tiền Phong, Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm, Công ty luật ThinkSmart, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, so với quy định cũ không nêu điều kiện các cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ, thì quy định mới đã giới hạn, bao gồm cá nhân, tổ chức.

Như vậy, tổ chức kinh doanh bất động sản không thuộc trường hợp phải lập dự án đầu tư, thì không được giao dịch quá 10 lần trong 1 năm và vượt 300 tỉ đồng trên mỗi hợp đồng.

“Theo tôi, ý tưởng của các nhà làm luật là muốn hạn chế những rủi ro hoặc hạn chế việc các nhà đầu tư trục lợi, dẫn đến tình trạng đầu cơ bất động sản và làm cho thị trường biến động theo chiều hướng bong bóng, và xuất hiện những giao dịch không có thật. Trên thực tế, từ trước đến nay có rất nhiều những giao dịch về bất động sản được coi là thị trường bong bóng, Luật sư Diễm nói.

Đánh giá từ giới chuyên gia việc Nghị định số 96 quy định rõ các tiêu chí kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ, giúp thị trường minh bạch hơn, không còn tình trạng bong bóng bất động sản, góp phần làm hạn chế tình trạng đầu cơ, lướt sóng mua đi bán lại sản phẩm nhà đất nhiều lần.

Nguồn: Cafebiz.vn