Vietcombank – nhà băng top 1 về vốn hoá tiếp tục đứng đầu về chỉ số đổi mới, sáng tạo và kinh doanh hiệu quả trong top ngân hàng vốn hoá trên 500.000 tỷ đồng. Theo sau Vietcombank lần lượt là các “ông lớn” trong ngành ngân hàng như BIDV, VietinBank, ACB, MB, Techcombank, VPBank, Sacombank, SHB, Agribank.
Ở nhóm vốn hoá dưới 500.000 tỷ đồng, SeABank là quán quân về chỉ số này. Tiếp đó, SeABank là VIB, LPBank, TPBank, NCB, Vietbank, Bac A Bank, ABBank, Vietabank, Kienlongbank lần lượt chia sẻ vị trí từ 1 đến 9.
Kết quả này là nghiên cứu được Viet Research phối hợp với Báo Đầu tư công bố trong khuôn khổ chương trình Nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo và cách tân trong các ngành kinh tế chủ lực năm 2024. Xếp hạng nhằm vinh doanh doanh nghiệp có tiềm năng và hiệu quả kinh doanh tốt nhờ tăng cường áp dụng và đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, cách tân.
80% ngân hàng coi trọng đổi mới sáng tạo
Đổi mới sáng tạo được xem là tiền đề để các ngân hàng Việt Nam nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và giảm thiểu rủi ro. Khảo sát của Viet Research với top 10 nhà băng chỉ ra, gần 80% đại diện ngân hàng xem đổi mới, sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng nhất trong 10 năm tới. Trong đó, công nghệ – quy trình – con người chìa khoá của quá trình này.
Khảo sát cũng chỉ ra, động lực lớn nhất cho việc các ngân hàng “chi mạnh” cho đổi mới sáng tạo đến từ phát triển mạnh mẽ và rộng khắp của các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong ngành ngân hàng.
Nhờ đó, có 66,7% ngân hàng trích lập khoảng 1,5-2,5% doanh thu vào hoạt động R&D trong 2 năm trở lại đây và có kế hoạch gia tăng thêm 20-30% trong các năm tới. Sự thăng hạng của Việt Nam trong hoạt động đổi mới sáng tạo thời gian qua có sự đóng góp của ngành ngân hàng, với nhiều nhà băng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, MBBank, Sacombank…
Chìa khoá của đổi mới sáng tạo
Hiện, mô hình năng lực đổi mới sáng tạo toàn diện của ngân hàng sẽ liên quan đến năm khía cạnh gồm sản phẩm-dịch vụ, quy trình, công nghệ, tổ chức và marketing. Tuy nhiên, tuỳ vào quy mô, văn hoá tổ chức, năng lực hạ tầng, các ngân hàng sẽ triển khai mạnh nhóm yếu tố nào.
Theo kết quả khảo sát của Viet Research, phần lớn nhà băng lớn có quy mô trên 500.000 tỷ ưu tiên đổi mới quy trình quản trị nội bộ (chiếm khoảng 48%) sau đó mới đến đổi mới sản phẩm-dịch vụ (chiếm khoảng 23%). Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ hơn lại chọn chiến lược đổi mới dựa vào các chiến lược truyền thông, marketing (chiếm khoảng 43%) rồi mới đến đổi mới sản phẩm-dịch vụ (chiếm khoảng 26%).
Trong top 10 nhà băng dẫn đầu về đổi mới sáng tạo, nhiều ngân hàng cũng áp dụng các biện pháp đổi mới dịch vụ như cung cấp tài khoản số đẹp, cho phép đặt nickname, tích hợp các tính năng mới trên ứng dụng, trên thẻ, kết nối với các tiện ích mua sắm… Các giải pháp đồng bộ này giúp định hình xu hướng thanh toán không tiền mặt, chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ để giúp tối ưu trải nghiệm khách hàng.
Bên cạnh đó, nhiềungân hàng có xu hướng áp dụng ứng dụng AI Generative (Trí tuệ nhân tạo tạo sinh) trong hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng trong Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả – VIE10 đã triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính mới có hàm lượng công nghệ cao, có bản sắc riêng ngay cả khi thị trường đang bước vào giai đoạn bão hòa.
Ngoài việc sáng tạo trong sản phẩm – dịch vụ hướng tới khách hàng, ngay trong bản thân nội bộ các ngân hàng VIE10 cũng đầu tư vào văn hoá doanh nghiệp. Khảo sát của Viet Research cho thấy, có đến 68% các ngân hàng cho biết ba yếu tố đóng vai trò rất quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo là: Văn hoá doanh nghiệp – Tầm nhìn và khát vọng đổi mới của lãnh đạo – Đội ngũ nhân sự chuyên môn giỏi.
Giới chuyên môn đánh giá, trong năm 2024, các nhà băng có thể đạt được tăng trưởng tín dụng mức 14-15% tương đương với kế hoạch đề ra của Ngân hàng Nhà nước. Những ngân hàng có chi phí vốn thấp và ưu thế về CASA như VCB, TCB, MBB… được kỳ vọng sẽ cải thiện NIM để chống chọi sự “bào mòn” do hoạt động cắt giảm lãi suất cho vay nhằm cạnh tranh tăng trưởng tín dụng. Một số ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện mạnh mẽ cùng gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 sẽ giảm được áp lực trích lập trong năm 2024, từ đó giúp lợi nhuận sau thuế gia tăng so với toàn ngành như VIB, TCB, CTG…
Lễ công bố và vinh danh các doanh nghiệp trong danh sách Top 10 Ngân hàng Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 sẽ được tổ chức trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 với chủ đề Cách tân để Phát triển tại Hà Nội tháng 6/2024.
Nguồn: Cafebiz.vn