Theo thống kê, trên TTCK có tổng cộng 10 doanh nghiệp báo lỗ trên 100 tỷ đồng, nhưng lại không xuất hiện khoản lỗ nào ở mức nghìn tỷ như các quý trước đây.
Tính đến ngày 1/8, gần như tất cả các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã công bố BCTC quý 2/2024. Như thường lệ, trong một mùa công bố kết quả kinh doanh ngoài những công ty công bố sự khởi sắc, lãi lớn thì không thể thiếu những cái tên báo lỗ.
Theo thống kê, trên TTCK có tổng cộng 10 doanh nghiệp báo lỗ trên 100 tỷ đồng, nhưng lại không xuất hiện khoản lỗ nào ở mức nghìn tỷ như các quý trước đây. Đa phần, những cái tên này đều gặp những vẫn đề nổi cộm trong nhiều quý qua nên việc lỗ đã trở thành ‘thói quen’. Tuy nhiên, cũng không thiếu những bất ngờ.
Doanh nghiệp báo lỗ lớn nhất trong quý 2/2024 gọi tên Masan Hightech Materials (MSR). Cụ thể, trong quý vừa qua công ty này ghi nhận doanh thu 3.652 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng về doanh thu không bù đắp được chi phí, đặc biệt là chi phí tài chính ở mức cao khiến công ty này lỗ trước thuế 421 tỷ đồng.
Đơn vị này đã liên tục báo lỗ kể từ quý 2/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Masan Hightech Materials mang về 6.741 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp này lỗ 1.175 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lỗ lớn thứ hai trong bảng xếp hạng này là NSH Petro (PSH) của đại gia Mai Văn Huy. Cụ thể, trong quý vừa qua công ty xăng dầu này chỉ thu về ‘vỏn vẹn’ tỷ đồng doanh thu, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn cùng với các chi phí đều tăng khiến doanh nghiệp này lỗ hơn 344 tỷ đồng.
Đây đã là quý thứ ba liên tiếp công ty này báo lỗ. Trên thực tế, NSH Petro đã gặp rất nhiều lùm xùm về việc nợ thuế kể từ cuối năm 2023. Ngoài ra, các lãnh đạo công ty này còn vướng vào một vụ thao túng chứng khoán với chính cổ phiếu PSH, trong đó có cả ông Mai Hữu Phúc, con trai của ông Mai Văn Huy.
Trong số này, chúng ta có thể điểm mặt một số cái tên đang vướng vào nhiều lùm xum trong thời gian gần đây khiến câu chuyện sản xuất kinh doanh bị ‘đình trệ’ như LDG, Quốc Cường Gia Lai, Angimex, Thủ Đức House… Ngoài ra còn có một số cái tên vẫn báo lỗ “triền miên” như HAGL Agrico, Nosco, Chương Dương Beco…
Một trường hợp báo lỗ khiến nhiều người bất ngờ phải kể đến TMT Motors (TMT). Theo BCTC quý 2/2024, công ty này mang về doanh thu thuần đạt 814 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Giá vốn tăng 11% khiến công ty lỗ gộp 49 tỷ, trong khi cùng kỳ vẫn lãi gộp 52 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, công ty lỗ trước thuế 101 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 1 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ đậm nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, lý do dẫn tới việc lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu là năm 2024 tình hình kinh tế khó khăn, các lĩnh vực bất động sản, đầu tư công giảm mạnh, nguy cơ lạm phát gia tăng khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu dù các doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô như TMT liên tục giảm mạnh giá bán để giải phóng hàng tồn kho.
TMT Motors gây chú ý khi tham gia vào thị trường xe điện bằng việc sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam. Được biết, Wuling Mini EV là mẫu xe điện cỡ nhỏ nổi tiếng của Trung Quốc, đạt danh hiệu “ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới 4 năm liên tiếp, kể từ năm 2020 đến hết năm 2023.
Giá rẻ nhưng doanh số của TMT Motor lại không như kỳ vọng. Năm ngoái, công ty chỉ bán được vẻn vẹn 591 chiếc xe điện Wuling HongGuang MiniEV ra thị trường, bằng 11% so với kế hoạch doanh số 5.525 chiếc đặt ra trước đó.
Nguồn: Cafebiz.vn