Ông Hoàng Nam Tiến: U50 đừng tự dằn vặt khi chưa được làm sếp, U40 phải đề cao tự học kẻo bị đào thải, U30 “nhảy” việc trong 2-3 năm là chuyện bình thường

Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT khuyên nhân sự lớn tuổi không nên tự ti về tuổi tác, hãy tự tin vào trình độ chuyên môn, kinh nghiệm. Với người trẻ, sếp FPT cũng cho rằng, việc đổi chỗ làm trong 2-3 năm là điều bình thường, nhưng nên cân nhắc thời điểm “nhảy việc”.

Đây là chia sẻ của “giáo” Tiến trong một clip được đăng tải trên fanpage VietnamWorks. Trả lời cho băn khoăn của U40-50 chưa thể lên được vị trí lãnh đạo, đồng thời, gặp phải sự cạnh tranh của bạn trẻ, ông Hoàng Nam Tiến nói: “Đừng nghĩ rằng 45-55 tuổi thì phải làm sếp. Nhiều người bị ấn tượng như vậy. Nhưng không đúng. 

Một người làm chuyên môn rất giỏi, rất sâu vào lĩnh vực nào đấy thì bao nhiêu tuổi không quan trọng. Việc chúng ta càng có kinh nghiệm, trải nghiệm nhiều là lợi thế chứ không phải nhược điểm. Vấn đề ở đây không phải là vấn đề tuổi tác. Tôi phải nhấn mạnh việc này”.

Ngoài ra, ông Tiến cũng “mách nước” làm hồ sơ cho U30-40. Sếp FPT cho biết, khi làm hồ sơ, những người dày dạn kinh nghiệm nên xác định rõ doanh nghiệp đang cần gì. Trong CV, những người này cần nhấn mạnh yếu tố: “Tôi vô cùng thành thạo công việc các vị đang cần. Tôi đã có 10-15 năm kinh nghiệm làm việc này. Khi nhìn thấy CV như vậy, các doanh nghiệp sẽ đồng ý ngay”.

Đồng thời, ông Tiến cũng cho rằng, những nhân sự ngoài 30 cần đề cao yếu tố tự học. “Nếu nhân viên sau 30 tuổi không có khoảng thời gian để dừng lại, đổi mới chính mình, khả năng các bạn bị người trẻ thay thế là rất lớn”, ông Tiến nói.

Ông Hoàng Nam Tiến khuyên U40, U50 đừng tự dằn vặt khi chưa được làm sếp, người trẻ nhảy việc trong vòng 2-3 năm không sao cả- Ảnh 1.

Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm cho các nhân sự có kinh nghiệm, sếp FPT cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ đang suy nghĩ về việc chuyển đổi công việc.

Theo ông, trong vòng 2-3 năm, người trẻ đổi chỗ làm một lần là điều bình thường. Điều quan trọng, nhân sự nên cân nhắc thời điểm chuyển việc. 

“Nếu bất cứ lúc nào gặp khó khăn, bức xúc cũng muốn nhảy việc thì cả đời bạn không thành công. Bạn hãy nhảy việc để ra đi trong vinh quang. Khi kết thúc một dự án thành công, khi mọi người đang khen mình nhiều nhất, lúc đó hãy đứng dậy và ra đi. Khi các bạn ở chỗ mới, bạn hoàn toàn có thể nói rằng, ở chỗ cũ em có thể được đề bạt một vị trí cao hơn, nhưng ở chỗ mới em muốn có trải nghiệm và thách thức mới”, ông Tiến nói. 

Nguồn: Cafebiz.vn