Thông tin này được cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, cổ đông sáng lập duy nhất của hãng hàng không Bamboo Airways nói tại phiên tòa sơ thẩm đang diễn ra.
Trong tuần này, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 người khác.
Cùng đó, ông Trịnh Văn Quyết cùng 7 người khác bị xét xử về các tội danh thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ở phần xét hỏi ngày 25/7, theo tường thuật của VnExpress, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết thông tin việc bán “hãng hàng không tâm huyết cả cuộc đời, Bamboo Airways” để khắc phục hậu quả vụ án.
Theo đó, khi được bên mua thanh toán 200 tỷ đồng, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã nộp toàn bộ về cơ quan điều tra. “Còn 500 tỷ đồng, người mua Bamboo Airways cam kết sẽ chuyển”, ông Quyết nói tại tòa.
Đến chiều 26/7, Viện kiểm sát ghi nhận ông Trịnh Văn Quyết có thái độ hợp tác, có nguyện vọng khắc phục hậu quả nhưng trên thực tế đến nay mới khắc phục được hơn 200 tỷ đồng.
Tại thời điểm tháng 5/2023, ông Nguyễn Ngọc Trọng – Chủ tịch Bamboo Airways khi đó – cho biết, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông sáng lập duy nhất của hãng hàng không này. Hai người tiếp theo có vai trò quan trọng đồng hành từ những ngày đầu là bản thân ông Trọng và bà Vũ Đặng Hải Yến.
Ông Trọng nhấn mạnh, cổ đông sáng lập duy nhất chỉ có ông Quyết, còn bản thân ông, bà Yến hay những người khác đều là “làm công ăn lương”.
Bamboo Airways phấn đấu điểm hòa vốn vào năm 2025
Thành lập năm 2017, chính thức cất cánh ngày 16/1/2019, Bamboo Airways là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ chất lượng cao theo mô hình hãng hàng không truyền thống (full service carrier).
Hồi tháng tháng 10/2023, Bamboo Airways đóng mạng bay quốc tế, cho biết việc này nhằm “duy trì ổn định hoạt động khai thác các đường bay trục kết nối trung tâm lớn” trong nước.
Cụ thể, hãng bay này từng có đường bay đến London Gatwick (Anh), Incheon (Hàn Quốc), Sydney/Melbourne (Úc), Frankfurt (Đức), Singapore, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Narita (Nhật Bản).
Hiện tại, Bamboo Airways tập trung khai thác các điểm đến nội địa.
Đến tháng 2 năm nay, ông Phan Đình Tuệ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways nhiệm kỳ 2023 – 2028. Theo thông tin từ hãng bay, ông Phan Đình Tuệ là lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm với gần 40 năm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông cũng đang đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao tại một số doanh nghiệp, hiệp hội: Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Sao Vàng Đất Việt – thuộc Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam.
Tại Bamboo Airways, trước khi đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT, ông Phan Đình Tuệ là phó chủ tịch thường trực HĐQT.
Hãng phấn đấu đạt điểm hòa vốn vào năm 2025 và tăng dần hiệu quả hoạt động trong các năm tiếp theo. Bamboo Airways đặt mục tiêu tăng trưởng quy mô đội tàu từ 30 đến 50 chiếc trong giai đoạn 2026-2028, mở rộng khai thác mạng đường bay nội địa và mạng bay quốc tế trọng điểm.
Tổng Giám đốc Bamboo Airways hiện tại là ông Lương Hoài Nam, giữ chức từ tháng 10/2023.
Chiều 26/7, đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo. Ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị 5 – 6 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán và 19 – 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng mức hình phạt viện kiểm sát đề nghị đối với ông Quyết là 24 – 26 năm tù.
Viện kiểm sát ghi nhận ông Trịnh Văn Quyết có thái độ hợp tác, có nguyện vọng khắc phục hậu quả nhưng trên thực tế đến nay mới khắc phục được hơn 200 tỉ đồng.
“Số tiền này là không đáng kể” so với hậu quả thiệt hại do hành vi trái pháp luật của các bị cáo gây ra, viện kiểm sát đánh giá. Viện kiểm sát cũng đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng của ông Quyết và các bị cáo khi xem xét đề nghị mức án.
Nguồn: Cafebiz.vn