Ngoài 3 bộ Luật đã chính thức có hiệu lực từ 1/8, Nghị định 100 vừa được Chính phủ ban hành đã nới rộng điều kiện thu nhập cho người mua nhà ở xã hội.
Một tin vui cho những người muốn mua nhà ở xã hội là điều kiện về thu nhập đã được nới rộng. Trước đó, theo quy định người mua nhà ở xã hội phải có thu nhập dưới mức 11 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, theo Nghị định 100/2024 của Chính phủ vừa mới được ban hành, để được mua nhà ở xã hội, nếu người đứng đơn mua nhà là người độc thân thì phải có thu nhập thực nhận không quá 15 triệu đồng/tháng.
Nếu người đứng đơn đã kết hôn thì người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó có tổng thu nhập thực nhận không quá 30 triệu đồng/tháng.
Thực tế, với thu nhập khoảng dưới 11 triệu đồng/tháng thì người lao động khó có đủ khả năng vừa trang trải chi phí sinh hoạt, vừa tích lũy tiền để mua nhà.
Trong khi nhóm đối tượng có thu nhập cao hơn mức trên không thuộc đối tượng được phép mua nhà ở xã hội với mức giá vừa phải. Từ đó nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như tìm mọi cách để làm đẹp hồ sơ hoặc nhà ở xã hội không bán được do không tìm được đối tượng đủ điều kiện, cùng với đó là nhiều quy định chồng chéo, phức tạp về vấn đề hộ gia đình – hộ khẩu.
Vì vậy, điểm thay đổi quan trọng trong nghị định mới ban hành được đánh giá sẽ giúp gỡ khó cho cả người mua và cả doanh nghiệp xây nhà ở xã hội.
Thời gian xác định điều kiện về thu nhập của hai nhóm đối tượng trên là trong 1 năm liền kề tính từ thời điểm đối tượng quy định trên nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home đã đánh giá: “Ở các nước phát triển, cứ 5 người thì có 1 người đang ở nhà ở xã hội. Điều này cho thấy tính hợp lý và có cơ sở từ con số 20% theo quy định mà các cơ quản lý đưa ra. Với sự cởi trói mạnh mẽ về luật, tôi mong khi thông tư mới ra đời sẽ giúp tháo gỡ toàn bộ khó khăn, để các chủ đầu tư yên tâm làm nhà ở xã hội”.
Ngoài ra, ông Nam cho rằng việc giải quyết được khâu định giá đất giúp rút ngắn đáng kể quá trình phát triển nhà ở xã hội.
Về phía các chủ đầu tư làm nhà ở xã hội, các quy định cũng được đưa ra để tháo gỡ những khó khăn.
Theo đó, các chủ đầu tư nhà ở xã hội không còn phải bắt buộc dành ra 20% phần diện tích để cho thuê, sau 5 năm mới được bán. Điều này giúp “cởi trói” rất lớn do đơn giá cho thuê, hiện được công khai trên các cổng thông tin, nhưng vẫn đắt hơn mặt bằng giá người dân tự cho thuê, chưa kể thủ tục pháp lý rất phức tạp.
“Việc mua bán hay cho thuê nên để thị trường tự quyết định”, ông Nam cho hay.
Vì thế, Tổng giám đốc G-Home cho rằng các yếu tố trên sẽ giúp các chủ đầu tư thêm tự tin hơn trong phát triển nhà ở xã hội. Ông mong rằng các thông tư mới ra đời sẽ giúp tháo gỡ toàn bộ khó khăn để các chủ đầu tư yên tâm làm nhà ở xã hội.
Nguồn: Cafebiz.vn