Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mặc dù là địa phương có số giờ làm việc cao nhất cả nước; đồng thời cũng là nơi có chi phí sinh hoạt cao thứ 3 cả nước, chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương tại đây lại thuộc top 20 cả nước.
Báo cáo Điều tra Lao động Việc làm 2022 của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 63 tình, thành, lao động làm công ăn lương ở Quảng Ninh có số giờ làm việc trung bình cao nhất cả nước. Cụ thể, trung bình mỗi tuần, tổng thời gian lao động Quảng Ninh làm việc là 47,4 giờ. Đứng thứ hai là Thái Bình, với số giờ làm việc bình quân của lao động ở địa phương này là 46,7 giờ/tuần. Với số giờ làm việc bình quân ở mức 46,6 giờ/tuần, Bình Dương là địa phương có số giờ làm việc cao thứ 3 cả nước.
Trong khi đó, tại các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, số giờ làm việc bình quân mỗi tuần của lao động ở các thành phố này lần lượt là 44,7 giờ/tuần, 46 giờ/tuần và 42,8 giờ/tuần, 40,3 giờ/tuần và 39,7 giờ/tuần, với thứ hạng tương ứng lần lượt là 8, 5, 20, 39 và 45.
Đáng chú ý, mặc dù là địa phương có số giờ làm việc cao nhất cả nước, nhưng thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương tại Quảng Ninh chỉ thuộc top 20 cả nước.
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động tại Quảng Ninh năm 2022 là 7,164 triệu đồng/người, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành. Con số này thấp hơn cả Thái Bình (7,23 triệu đồng/tháng), Bình Dương (8,5 triệu đồng/tháng), Bắc Ninh (8,2 triệu đồng/tháng) và TPHCM (9,1 triệu đồng/tháng) – những địa phương thuộc top 5 những nơi có số giờ làm việc bình quân cao nhất cả nước.
Dữ liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh là tỉnh đắt đỏ nhất Việt Nam với chỉ số SCOLI bằng 97,94% Hà Nội (chỉ xếp sau hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM). Quảng Ninh đắt đỏ do là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Trong năm 2022, số lượng lao động trung bình cả nước là 51,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với năm 2021. Trong tổng số 50,6 triệu lao động có việc làm, báo cáo cho biết, lao động làm công hưởng lương vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu với 53,8%. So với năm 2021, số lao động làm công hưởng lương tăng gần 1,8 triệu người (tương ứng tăng 6,9%). Theo đó, khoảng 44,0% lao động làm từ 40-48 giờ/tuần và có tới 28,1% lao động làm việc trên 48 giờ một tuần. Số lao động làm việc dưới 20 giờ/tuần chiếm tỷ trọng thấp (5,3%). Tỷ trọng lao động làm việc dưới 35 giờ/tuần là 19,2%.
Trong 6 vùng kinh tế – xã hội, tỷ trọng lao động làm việc dưới 35 giờ/tuần thấp nhất ở vùng Đông Nam Bộ (10,7%) và cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (32,5%). Tỷ trọng lao động làm việc trên 60 giờ cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (3,3%) và thấp nhất là vùng Tây Nguyên (0,9%).
Số giờ làm việc bình quân/tuần của năm 2022 là 42,2 giờ/tuần, số giờ làm việc bình quân/tuần của nam cao hơn nữ (tương ứng 43,2 giờ và 41,1 giờ); vùng Đông Nam Bộ có số giờ làm việc bình quân/tuần cao nhất trong 6 vùng (45,1 giờ/tuần), chênh lệch số giờ làm việc bình quân/tuần giữa thành thị và nông thôn khác nhau giữa các vùng.
Mức chênh lệch này lớn nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (4,0 giờ/tuần), riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, số giờ làm việc bình quân/tuần khu vực nông thôn lại cao hơn thành thị, tương ứng khoảng 1,4 giờ/tuần.
Nguồn: Cafebiz.vn