Tòa án bác đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của đối tác, cổ phiếu Đức Long Gia Lai tăng trần 2 phiên liên tiếp

Một trong những lý do được Tòa án đưa ra là tập đoàn Đức Long Gia Lai là công ty hoạt động đa ngành nghề, có nhiều chi nhánh và cơ sở hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau; là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh bình thường và có nhiều công nhân lao động.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 7/8, ngoài sự thăng hoa của cổ phiếu “họ Vingroup”, cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai cũng bất ngờ tăng kịch trần, trắng bên bán lên mức giá 1.850 đồng/cp. Đây đã là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này. 

Tòa án bác đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của đối tác, cổ phiếu Đức Long Gia Lai tăng trần 2 phiên liên tiếp- Ảnh 1.

Cổ phiếu DLG bất ngờ nổi sóng sau thông tin ông Đặng Chí Công, Tổ trưởng Tổ Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã ký Quyết định số 01 về việc không mở thủ tục phá sản đối với  Đức Long Gia Lai. Theo Quyết định này, Tổ Thẩm phán thấy rằng: Sau khi Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng hủy quyết định mở thủ tục phá sản số 01 (tháng 10/2023) của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, Đức Long Gia Lai tiếp tục chuyển trả nợ cho CTCP Lilama 45.3 thêm 2 tỷ đồng. 

Trong đó gần nhất là ngày 27/6/2024 chuyển trả 350 triệu đồng. Tổng cộng đến nay,  Đức Long Gia Lai đã trả cho Lilama 45.3 với số tiền 6 tỷ đồng, còn nợ lại 11,4 tỷ đồng và cam kết trả nợ theo lộ trình cụ thể.

Theo Tòa án, tập đoàn Đức Long Gia Lai là công ty hoạt động đa ngành nghề, có nhiều chi nhánh và cơ sở hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau; là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh bình thường và có nhiều công nhân lao động.

Báo cáo tài chính năm 2021, 2022, 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, kết quả kinh doanh của Đức Long Gia Lai là có lợi nhuận. Như vậy, tập đoàn không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật phá sản. Bởi lẽ, công ty tuy có các khoản nợ cụ thể đến hạn thanh toán nhưng vẫn thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong vòng 3 tháng cho Lilama 45.3. Do đó, Tổ Thẩm phán không chấp nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản của Lilama 45.3 đối với Đức Long Gia Lai.

Đức Long Gia Lai được biết đến là một trong số Tập đoàn lớn của phố núi Gia Lai. Công ty khởi đầu là một doanh nghiệp chế biến gỗ tiêu dùng, kinh doanh bất động sản, thủy điện, nhà hàng khách sạn… Sau 20 năm phát triển, doanh nghiệp này xác định mục tiêu là một tập đoàn đa ngành nghề với chiến lược là nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, sản xuất linh kiện điện tử… Việc lấn sân vào quá nhiều lĩnh vực và không hiệu quả khiến Công ty ngày càng sa sút.

Trong quý 2/2024, công ty có lãi gần 10 tỷ đồng nhưng vẫn đang chịu lỗ lũy kế hơn 2.600 tỷ đồng. Nợ phải trả là 4.481 tỷ đồng, gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu. Năm 2024, Đức Long Gia Lai đề kế hoạch 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 25% so với năm trước) và 120 tỷ đồng lãi sau thuế (năm 2023 lỗ gần 579 tỷ đồng).

Nguồn: Cafebiz.vn