Điều 16 Thông tư 17/2024/TT-NHNN đã quy định chi tiết các trường hợp được thanh toán bằng phương tiện điện tử, có hiệu lực thi hành bắt đầu tư 1/10/2024.
3 trường hợp sẽ không được mở tài khoản thanh toán online
Theo khoản 3 Điều 16 Thông tư 17/2024/TT-NHNN, việc mở tài khoản thanh toán bằng phương tiện điện tử không áp dụng đối với các trường hợp sau:
(1) Tài khoản thanh toán chung;
(2) Tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ;
(3) Khách hàng cá nhân theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 11 Thông tư này, khách hàng cá nhân là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Cụ thể:
– Người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật;
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
– Khách hàng cá nhân là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Hồ sơ mở tài khoản thanh toán
Theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN, hồ sơ mở tài khoản thanh toán gồm các tài liệu, thông tin, dữ liệu sau:
– Thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định tại Điều 13 Thông tư 17/2024/TT-NHNN
– Các tài liệu, thông tin, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN
– Thỏa thuận việc quản lý và sử dụng tài khoản thanh toán chung giữa các chủ thể đứng tên mở tài khoản thanh toán (nếu có) đối với trường hợp mở tài khoản thanh toán chung.
Ngân hàng tự quyết định hình thức phục vụ việc mở tài khoản thanh toán online phải đáp ứng các yêu cầu nào?
Khoản 2 Điều 16 Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương tiện điện tử, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau:
– Biện pháp, hình thức, công nghệ được ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lựa chọn phải đảm bảo tiêu chuẩn về an ninh, an toàn, bảo mật theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
– Xác nhận việc khách hàng chấp thuận với các nội dung tại thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
– Đối với tài khoản thanh toán của cá nhân: Có biện pháp kỹ thuật sử dụng hình thức xác nhận bằng phương tiện điện tử để thể hiện sự chấp thuận của chủ tài khoản đối với các nội dung tại thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
– Đối với tài khoản thanh toán của tổ chức: Người đại diện hợp pháp ký chữ ký điện tử để khẳng định sự chấp thuận của chủ tài khoản đối với các nội dung tại thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
– Lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết đối với các tài liệu, thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương tiện điện tử, như: Thông tin nhận biết khách hàng; Các yếu tố sinh trắc học của chủ tài khoản thanh toán cá nhân, người đại diện hợp pháp của tổ chức mở tài khoản thanh toán; Âm thanh, hình ảnh, bản ghi hình, ghi âm; Số điện thoại đăng ký giao dịch trên phần mềm ứng dụng giao dịch ngân hàng trên internet, điện thoại di động; Thông tin định danh duy nhất của thiết bị giao dịch (địa chỉ MAC); Nhật ký giao dịch; kết quả đối chiếu thông tin sinh trắc học.
Theo đó, các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, xác thực chủ tài khoản trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Thời gian thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và giao dịch điện tử.
– Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, bảo mật của biện pháp, hình thức, công nghệ và thực hiện tạm dừng cung cấp dịch vụ để nâng cấp, chỉnh sửa, hoàn thiện trong trường hợp có dấu hiệu mất an toàn.
Nguồn: Cafebiz.vn